Thế cục lật ngược 180 độ của vợ ngân hàng, chồng nuôi heo

Mỗi lần ngành ngân hàng rộ lên tin cắt giảm nhân sự, tôi lại nhớ tới lúc mới ra trường, vợ tôi tha thiết tìm cách xin vào làm giao dịch viên ở chi nhánh một ngân hàng. Tôi là kỹ sư chăn nuôi, cắm cúi lo chăn nuôi heo.
Có thời gian, tôi cũng tự ti. Đi đâu cũng nghe hỏi "làm gì thế?", tôi mà nói nuôi heo thì hoặc bị né tránh, hoặc bị khuyên "nên kiếm cái gì sang sang hơn mà làm".
Giờ thì vai trò hoán đổi, vợ tôi nơm nớp sợ thị sa thải, sợ bị AI thay thế, còn tôi thì ngược lại. Chẳng ai nghĩ người nuôi heo, chăm sóc heo lại yên tâm hơn kẻ làm ngân hàng.
Mùa dịch hay kinh tế suy thoái, heo vẫn ăn rồi đẻ, người vẫn ăn thịt heo đều. Tôi vẫn yên ổn qua nhiều cơn sóng sa thải của thị trường lao động.
Người ta vẫn có thói quen đánh giá người khác qua nghề nghiệp. Ở nhiều đám cưới, người đi dự hay hỏi thăm nhau "cô dâu, chú rể" làm nghề gì". Nghe ai nói làm ngân hàng, làm IT, thì trầm trồ. Còn bảo làm nông nghiệp hay gì đó khác, không phải ngành thời thượng là bĩu môi.
Chúng ta đã đánh tráo giá trị nghề nghiệp với con người quá lâu, đến mức nhiều người chọn nghề không vì đam mê hay phù hợp, mà vì oai.
Đáng nói, cái tâm lý ấy không phải từ trên trời rơi xuống. Nó được gieo vào đầu học sinh từ khi còn trên ghế nhà trường. Phải đậu đại học lớn, ngành hot, điểm cao. Phải được làm công ty lớn, mặc đẹp, nói tiếng Anh trôi chảy.
Và khi các ngành hot như ngân hàng, IT, tài chính... gặp khủng hoảng, khi thị trường không hấp thụ hết số lượng cử nhân tốt nghiệp hoặc doanh nghiệp có nhiều lựa chọn nhân sự thì họ run rẩy sợ thị sa thải.
Ngược lại, những nghề ít được "trọng vọng", như một số bạn bè tôi làm thợ sửa xe chuyên nghiệp, làm vườn... sống khỏe, gửi tiền về cho bố mẹ đều đều, không phải chịu áp lực làm màu với ai.
Tôi không hề có ý phủ nhận nỗ lực của những người làm ngân hàng hay các ngành "hot". Nhưng rõ ràng, thị trường lao động cần sự phân bố đều và người học cần tỉnh táo.
Điều quan trọng hơn cả là phải thay đổi nhận thức từ gốc. Đừng dạy hay ép buộc trẻ rằng chỉ có một vài con đường mới là thành công, rằng phải học ngành này, ngành kia thì mới khá, tất cả từ ý chí và mong muốn của phụ huynh. Sự tự tin không đến từ công việc bạn khoác lên, mà từ việc bạn có làm chủ được cuộc sống hay không.
Hiếu Minh