Covid-19 có bùng phát trở lại?

![]() |
Nhân viên y tế trong đêm tầm soát Covid-19 tháng 6/2021 tại quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong bối cảnh nhiều quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng trở lại, Việt Nam cũng ghi nhận 148 trường hợp nhiễm rải rác tại 27 tỉnh, thành kể từ đầu năm 2025 đến nay.
Trước diễn biến này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) hôm 19/5 đã yêu cầu các bệnh viện chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 nếu cần.
Thông tin về việc một số bệnh viện được yêu cầu kích hoạt lại khu cách ly khiến nhiều người dân chú ý. Trên mạng xã hội, không ít người bày tỏ sự lo lắng và đặt câu hỏi liệu tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp trở lại.
Số ca Covid-19 tăng có phải diễn biến bất thường?
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng phòng Cấp cứu truyền nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay các bệnh do virus, đặc biệt là lây truyền qua đường hô hấp, thường diễn tiến theo từng "làn sóng" lên xuống.
Khi virus lan rộng trong cộng đồng, số ca mắc tăng vọt. Sau một thời gian, khi nhiều người đã nhiễm bệnh và có miễn dịch, số ca sẽ giảm. Nhưng khi miễn dịch suy yếu hoặc virus biến đổi, một "làn sóng" mới lại có thể xuất hiện.
Nếu được giám sát dịch tễ một cách chặt chẽ, đầy đủ và liên tục, ví dụ, thông qua xét nghiệm Covid-19 định kỳ tại tất cả bệnh viện tuyến trung ương và địa phương, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn cảnh, chính xác hơn về sự biến động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 được hạ xuống nhóm B (tức là không còn được xếp vào nhóm đặc biệt nguy hiểm), việc giám sát không còn chặt chẽ như trước. Do đó, theo bác sĩ Thái, số ca mắc hiện nay chỉ phản ánh một phần thực tế.
Trước đây, chúng ta không xét nghiệm nhiều, nay xét nghiệm lại nên phát hiện thêm ca nhiễm. Đây là hiện tượng giống cúm mùa, không có gì bất thường
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
"Covid-19 hiện nay là bệnh lưu hành, tức luôn tồn tại rải rác trong cộng đồng, có thể có người mắc bất kỳ lúc nào, từ nhẹ đến nặng. Đây không còn là một đợt bùng phát hay đại dịch mới", bác sĩ Thái nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Phó trưởng phòng Cấp cứu truyền nhiễm, người dân vẫn nên duy trì ý thức phòng bệnh vì mầm bệnh luôn hiện diện, nếu không phải Covid-19 thì cũng là virus cúm, adeno hay các bệnh hô hấp khác.
Liên quan vấn đề cách ly, bác sĩ Thái cho biết nguyên tắc phòng bệnh qua đường hô hấp là giống nhau, nhưng cách tiếp cận hiện nay thay đổi nhiều so với giai đoạn Covid-19 còn được xếp vào nhóm A.
Trước đây, yêu cầu cách ly rất nghiêm ngặt, ví dụ người dân được khuyến cáo dùng khẩu trang N95 và giãn cách 2 mét là bắt buộc. Giờ đây, với việc Covid-19 được coi như cúm mùa hay bệnh sởi, chỉ cần các biện pháp phòng hộ cơ bản như đeo khẩu trang y tế thông thường và giữ khoảng cách hợp lý là đủ.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng số ca Covid-19 gia tăng trong thời gian gần đây là điều hoàn toàn bình thường.
"Trước đây, chúng ta không xét nghiệm nhiều, nay xét nghiệm lại nên phát hiện thêm ca nhiễm. Đây là hiện tượng giống cúm mùa, không có gì bất thường", bác sĩ Khanh giải thích với Tri Thức - Znews.
Ông cũng nhấn mạnh rằng kể từ tháng 10/2023, Bộ Y tế đã chính thức đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A - nhóm bệnh đặc biệt nguy hiểm - và xếp vào nhóm B, cùng với cúm, lao phổi, virus Zika, adeno… Điều này có nghĩa tuy Covid-19 vẫn có khả năng lây lan, nhưng mức độ nguy hiểm đã giảm đáng kể.
Cả hai chuyên gia đều cho rằng người dân không nên hoang mang hay lo lắng quá mức trước những đợt tăng nhẹ số ca mắc. Việc cảnh giác, giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang ở nơi đông người hay khi có triệu chứng hô hấp vẫn là cần thiết, nhưng cần dựa trên hiểu biết đúng đắn, không hoảng loạn.
![]() |
Vào tháng 10/2023, Bộ Y tế đã chính thức chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Việc cách ly được thực hiện như thế nào?
Theo các chuyên gia, động thái của Bộ Y tế mang tính chủ động trong công tác phòng dịch, không đồng nghĩa với việc dịch Covid-19 quay lại mức độ nghiêm trọng. Việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án cách ly là bước cần thiết để ứng phó trong trường hợp số ca mắc tăng nhanh, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết giao mùa và nhiều bệnh hô hấp cùng lúc gia tăng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát, phòng chống Covid-19 khi bệnh thuộc nhóm B, đối với ca bệnh xác định, việc tiếp nhận, quản lý điều trị, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Người mắc Covid-19 phải đeo khẩu trang. Khuyến khích tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc từ khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính và nên đeo khẩu trang hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác.
Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác.
Bên cạnh đó, người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa… hàng ngày và khi dây bẩn. Cuối cùng, nơi lưu trú cần được giữ thông thoáng, vệ sinh.
Nhớ sống hạnh phúc nhé!
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.