Công nhận tri thức dân gian về sâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

TPO - Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam được Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Chiều 14/5, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam - cho biết Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định về việc công nhận tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
![]() |
Huyện Nam Trà My tổ chức đấu giá sâm Ngọc Linh lấy tiền xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Hoài Văn. |
Sâm Ngọc Linh đã được đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam, đặc biệt là đồng bào Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My phát hiện từ rất lâu đời, gắn với tập quán đi rừng của bà con.
Sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên tại núi Ngọc Linh từ độ cao 1.500 m đến 2.100 m, mọc thành đám dưới tán rừng già dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn, phân bố chủ yếu ở khu vực các thôn của xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.
Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh, một loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị đặc hữu, với những đặc tính riêng có mà các loài sâm khác trên thế giới không có được, là sản phẩm của quốc gia, là “vàng xanh” của đất nước.
Bên cạnh điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, độ cao, những tập quán, lễ nghi truyền thống, cùng với kinh nghiệm, tri thức dân gian trong việc khai thác, chuẩn bị giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sâm Ngọc Linh đã được cộng đồng cư dân địa phương tích lũy qua thời gian và được gìn giữ, lưu truyền, phát triển góp phần bảo tồn nguồn gen quý và nhân bản, phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Hiện nay cây sâm đã được di thực ra 7 xã của huyện Nam Trà My, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, bảo lưu những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào gắn với trách nhiệm giữ gìn những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn quý giá.