Nhảy đến nội dung
 

Công nghệ thông tin đã thay đổi cách ngành điện miền Nam vận hành thế nào?

Gắn bó với Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) từ năm 2002, công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) của Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Nam, tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì có cơ hội chứng kiến và trực tiếp tham gia vào những bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành điện, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin trong công cuộc hiện đại hóa toàn diện.

Từ lập trình xuyên phiếu...

Ngay từ những ngày đầu sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975), ngành điện đối diện với muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất, hệ thống quản lý phân tán và thủ công, nguồn nhân lực còn thiếu thốn. Tuy nhiên, ngay trong hoàn cảnh ấy, CNTT đã bắt đầu len lỏi và đóng vai trò quan trọng trong việc từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống điện.

Tiền thân của Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Nam là Trung tâm Điện toán, đơn vị tiên phong ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành điện. Khi đó, phương tiện làm việc chủ yếu là những chiếc máy IBM lớn, cồng kềnh, vận hành bằng băng từ, thẻ đục lỗ. Từ những chiếc máy ấy, những kỹ sư tin học đầu tiên của ngành điện đã khởi tạo nên nền móng CNTT cho cả khu vực miền Nam. Một trong những kỹ thuật đáng nhớ nhất lúc bấy giờ là "lập trình xuyên phiếu" - một hình thức lập trình phức tạp, yêu cầu độ chính xác cực cao để máy in IBM có thể in dữ liệu lên những vị trí đã được căn chỉnh sẵn trên phiếu giấy.

Thành quả là những hóa đơn tiền điện, giấy báo dự thi đại học… được in hàng loạt, chính xác, thay thế hoàn toàn phương thức thủ công. Từ đó, CNTT bắt đầu gánh vác vai trò tự động hóa trong nhiều khâu quản lý của ngành điện - một bước tiến quan trọng tạo nền tảng cho các cải cách sau này.

...đến chuyển mình mạnh mẽ

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hạ tầng CNTT ngành điện miền Nam từng bước được đầu tư, nâng cấp mạnh mẽ. Từ những năm đầu chỉ với một vài chiếc máy tính đơn lẻ, các phần mềm được viết bằng ngôn ngữ lập trình cổ điển như COBOL, FoxPro nhằm phục vụ các nghiệp vụ cơ bản như tài chính, hóa đơn tiền điện… đến nay, CNTT đã trở thành một phần không thể tách rời trong mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị.

Giai đoạn 2003 - 2005 là một cột mốc đặc biệt đáng nhớ đối với tôi và nhiều đồng nghiệp. Đó là thời điểm các hệ thống phần mềm như FMIS (tài chính), CMIS (kinh doanh), EOffice (quản lý văn bản), HRM (nhân sự - tiền lương)… được triển khai đồng loạt đến tất cả các đơn vị trực thuộc. Chúng tôi phải "bưng bê" server từ các địa phương về để cấu hình, cài đặt và đào tạo cán bộ tại chỗ. Những chuyến công tác miệt mài xuyên suốt các tỉnh, những đêm thức trắng để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, dữ liệu đúng đủ… vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi như những kỷ niệm nghề nghiệp đầy tự hào.

Đến nay các phần mềm được xây dựng với quy mô lớn hơn, theo hướng tập trung hóa, tích hợp và đồng bộ. Hạ tầng CNTT cũng được đầu tư bài bản với các trung tâm dữ liệu hiện đại, mạng truyền dẫn tốc độ cao, hệ thống máy chủ ảo hóa, kho dữ liệu tập trung giúp đảm bảo tính sẵn sàng, bảo mật và mở rộng dễ dàng cho các hệ thống nghiệp vụ quan trọng.

CNTT làm thay đổi cách ngành điện vận hành

Đến hôm nay, khi công nghệ số bùng nổ và trở thành xương sống của mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngành điện miền Nam đã có một diện mạo hoàn toàn khác. CNTT không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà đã trở thành yếu tố cốt lõi, quyết định hiệu quả vận hành và chất lượng phục vụ.

Hệ thống SCADA điều khiển từ xa cho phép giám sát và vận hành lưới điện theo thời gian thực, góp phần đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định. Hệ thống đo ghi từ xa giúp loại bỏ việc ghi điện thủ công, vừa tiết kiệm nhân lực, vừa nâng cao độ chính xác. Hóa đơn điện tử và chữ ký số tạo ra sự minh bạch, rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ.

Công tác dịch vụ khách hàng cũng chuyển biến mạnh mẽ. Giờ đây, khách hàng có thể tra cứu chỉ số điện, thanh toán qua ngân hàng, ví điện tử, đăng ký dịch vụ, tra cứu lịch cắt điện… qua nhiều kênh như website, ứng dụng di động, tổng đài hoặc Zalo - tất cả chỉ với vài thao tác đơn giản.

Các hệ thống như CMIS, ERP, HRM, PMIS, OMS, IMIS… dần hình thành nên một "kiến trúc số" toàn diện. Chúng không chỉ giúp quản lý kỹ thuật hiệu quả, mà còn hỗ trợ phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra các quyết định điều hành linh hoạt, tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Nhiều thế hệ, chung một tâm huyết với nghề

Nhìn lại hơn hai thập kỷ gắn bó với ngành điện miền Nam, tôi càng thêm thấm thía giá trị của những nỗ lực không ngừng nghỉ. Những thế hệ đi trước - từ các kỹ sư ngày đầu vận hành máy IBM, sang tận nước ngoài tìm kiếm linh kiện thay thế - đến lớp cán bộ trẻ hôm nay đang làm chủ công nghệ mới, đều đã đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển không ngừng của ngành.

Mỗi dòng code viết ra, mỗi phần mềm triển khai, mỗi hệ thống đi vào vận hành… đều là kết tinh của tinh thần cống hiến, của mong muốn phục vụ người dân ngày một tốt hơn. CNTT trong ngành điện không chỉ là công cụ, mà còn là sứ mệnh. Chúng tôi không đơn thuần chỉ "làm kỹ thuật", mà đang ngày ngày góp phần vào hành trình hiện đại hóa đất nước.

Và tôi tin rằng, chặng đường 50 năm qua mới chỉ là khởi đầu. Với nền tảng công nghệ đã được xây dựng vững chắc, với đội ngũ kỹ sư CNTT ngày càng lớn mạnh, ngành điện miền Nam sẽ tiếp tục vươn xa trong kỷ nguyên chuyển đổi số.