Công an Hà Nội xử lý cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc

Điển hình ngày 13/5, Đội 6 Phòng CSKT phối hợp Chi cục QLTT TP Hà Nội (Đội QLTT số 17) tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại địa chỉ ngõ 197 phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, đã phát hiện, tạm giữ 800 kg thực phẩm đông lạnh (tràng, trứng gà non) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hàng chục vụ thực phẩm "bẩn" bị phát hiện trong đầu tháng 5
Cơ sở này do bà Đỗ Kim Anh (sinh năm 1994, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) làm chủ. Ước tính tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 48,96 triệu đồng. Phòng CSKT đang tiếp tục phối hợp với Chi cục QLTT TP Hà Nội hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở về hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tiền phạt dự kiến 35 triệu đồng.
Tiếp đến ngày 14/5, Đội 6 Phòng CSKT phối hợp Chi cục QLTT TP Hà Nội (Đội QLTT số 14) phát hiện ông Hoàng Đức Thọ (sinh năm 1980, ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) vận chuyển 10.000 sản phẩm là xúc xích do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ông Thọ khai nhận hàng hóa thuộc sở hữu của ông Trần Văn Đại (sinh năm 1995, ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 95 triệu đồng.
![]() |
Khoảng 800 kg thực phẩm đông lạnh (tràng, trứng gà non) không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cất giấu dưới tấm bạt nylon. |
Tổ công tác hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Đại về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, với tổng số tiền phạt dự kiến 70 triệu đồng.
Ngay sau vụ việc trên, Đội 6 Phòng CSKT phối hợp Chi cục QLTT TP Hà Nội (Đội QLTT số 17) kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại ngõ 53 Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 1994, ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) làm chủ.
Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 300 sản phẩm là sữa bột, sữa nước trẻ em do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tổng trị giá hàng hoá khoảng 82,35 triệu đồng.
Nhiều thủ đoạn che đậy hành vi sản xuất và kinh doanh thực phẩm "bẩn"
Ngày 15/5/2025, Đội 6 Phòng CSKT phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và Công an xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đã phát hiện xưởng sản xuất ở thôn Năm Trại, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai chứa nhiều hộp thực phẩm các loại (trà, sữa hạt, viên uống...) có dấu hiệu vi phạm pháp luật, với tổng giá trị hàng hóa lên tới hơn 985 triệu đồng.
Cơ sở sản xuất hàng hóa này đặt tại một vị trí kín đáo, sâu trong ngõ nhỏ ít người qua lại ở giữa khu dân cư thôn Năm Trại, xã Sài Sơn. Để tránh bị phát hiện, chủ cơ sở đã xây cổng bằng bê tông và ngụy trang bằng các hình vẽ loang lổ nhằm tránh sự chú ý và kiểm tra bất ngờ từ cơ quan chức năng.
Đồng thời, hệ thống camera giám sát 24/24h được lắp đặt ngay phía trước cổng, giúp đối tượng chủ động kiểm soát, phát hiện người lạ đến gần để đối phó, che giấu hoạt động bên trong. Đây là thủ đoạn tinh vi nhằm che đậy hành vi sản xuất và kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình theo dõi và xử lý.
![]() |
Tổ công tác kiểm đếm tang vật. |
Qua điều tra, tổ công tác xác định địa điểm kinh doanh mặt hàng này đặt tại số 30, ngõ 23, phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Các địa điểm trên thuộc Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can, do ông Nguyễn Hữu Hoàn (sinh năm 1984) có hộ khẩu thường trú tại Xóm 4, thôn Sài Khê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai làm Giám đốc.
Kết quả kiểm tra phát hiện 11.430 hộp thực phẩm các loại (trà, sữa hạt, viên uống...) có dấu hiệu vi phạm pháp luật, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên tới 985,3 triệu đồng.
Hiện Phòng CSKT đang phối hợp với Đội QLTT số 17 tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can với các hành vi cụ thể như: không thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi sau công bố đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật; Hàng hoá có nhãn nhưng không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định; Ghi nhãn sản phẩm với thông tin sai lệch, không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa - cụ thể là mô tả công dụng sản phẩm theo hướng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về tính năng, tác dụng điều trị hoặc chữa bệnh của thực phẩm.
Đáng chú ý, hành vi của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can là quảng cáo bán các sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội (website, TikTok, Shopee...) và ghi nhãn quá mức công dụng thực phẩm. Hành vi trên đang phổ biến, đặc biệt với các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Việc cố tình đưa ra thông tin sai lệch khiến người tiêu dùng hiểu lầm thực phẩm là thuốc chữa bệnh, từ đó đặt niềm tin sai lệch, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời làm sai lệch môi trường kinh doanh lành mạnh.
Đối với các vi phạm nêu trên, cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc có yếu tố “quảng cáo công dụng vượt mức".
Sách về Pháp luật
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), tham vấn chính sách là việc trao đổi trực tiếp giữa cơ quan lập đề xuất chính sách với cơ quan, tổ chức, cá nhân được tham vấn theo quy định của Luật này nhằm lựa chọn giải pháp, hoàn thiện chính sách của dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.