Nhảy đến nội dung
 

'Con muốn giữ quốc tịch Việt Nam, vì con có nguyện vọng trở về Việt Nam'

Qua cuộc gặp gỡ tại nhà riêng của TS Lương Bạch Vân ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), có thể cảm nhận được cuộc đời của bà là một hành trình nỗ lực không ngừng vì tình yêu đất nước.

TS Lương Bạch Vân, 79 tuổi, nguyên là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo (thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM cũ), nguyên Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM. Bà đã học tập và sinh sống ở Pháp suốt 18 năm cho tới khi tình nguyện về nước vào năm 1978.

"Việt Nam cần mình"

TS Vân kể lý do chính khiến bà trở về Việt Nam sau khi đất nước thống nhất chỉ nằm vỏn vẹn trong 4 chữ: "Việt Nam cần mình". Đổi lại, bà khẳng định: "Cả đời tôi một lòng với đất nước Việt Nam".

Sinh ra trong thời điểm đất nước còn chìm trong khói lửa, bà lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt: cha hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; mẹ vì mưu sinh phải gửi bà vào cô nhi viện tại Đà Lạt để làm việc cho một gia đình người Pháp và sau đó sang Pháp định cư. Năm 10 tuổi, bà được họ hàng đón về nuôi dưỡng và cho ăn học tại Sài Gòn. Năm 14 tuổi, bà sang Pháp đoàn tụ với mẹ và bắt đầu hành trình học tập, vượt lên số phận để tiến thân nơi xứ người.

Bà vẫn nhớ như in ngày rời Sài Gòn năm 1960. Khi máy bay cất cánh khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt, những lời chúc mừng, tiễn biệt của thầy cô và bạn bè hiện lên rõ mồn một: "Chúc em khi đi, đi với tay không/Khi về, về với thành công mọi bề". Chính lời dặn dò ấy đã trở thành động lực suốt những năm sống và học tập tại Pháp, thôi thúc bà vượt khó, tích lũy kiến thức để trở về cống hiến cho quê hương.

Đến Pháp, bà sống cùng gia đình tại Toulouse, vừa phụ giúp công việc nhà hàng cho mẹ, vừa theo học bậc trung học. Mẹ bà muốn bà nhập quốc tịch Pháp để thuận lợi cho việc học tập, nhưng bà cương quyết: "Con muốn giữ quốc tịch Việt Nam, vì con có nguyện vọng trở về Việt Nam".

Năm 1962, bà tham gia trại hè do Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức. Tại đây, bà gặp ông Nguyễn Bình - người sau này trở thành chồng bà. Trại hè này đã giúp bà hiểu rõ hơn về miền Bắc XHCN, về Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Bà cũng được biết về cuộc đấu tranh của sinh viên, về nỗi đau do chiến tranh gây ra và lý tưởng sống của thế hệ trẻ yêu chuộng tự do, hòa bình.

Từ đó, trong thâm tâm, bà càng tự nhủ phải học hành để có ích cho đất nước. Bà theo học tại Đại học Orsay (nay là Đại học Paris-Saclay), sau đó tiếp tục học cao học và lấy bằng tiến sĩ ngành hóa cao phân tử tại Đại học Paris VI. Bà chọn ngành này vì đam mê nghiên cứu vật liệu hỗn hợp - một lĩnh vực có nhiều ứng dụng thực tiễn như nhựa, cao su, sợi polyester, sợi carbon và vật liệu y sinh.

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, bà tích cực tham gia phong trào Việt kiều yêu nước, vận động sự ủng hộ của các tổ chức tiến bộ Pháp và kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Năm 1974, bà làm việc tại CAPRI thuộc CEA-Saclay, đồng thời chuẩn bị các dự án có thể áp dụng khi về nước như nghiên cứu vòng tránh thai, sản xuất vật liệu mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến...

Năm 1976, bà cùng đoàn đại biểu kiều bào Pháp về dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất và được vào Nam thăm gia đình. Suốt chặng đường dài từ Hà Nội vào TP.HCM, bà tận mắt chứng kiến những hậu quả nặng nề do chiến tranh gây ra, lòng thêm nung nấu quyết tâm trở về.

Thế là đến đầu năm 1978, vợ chồng bà cùng 3 đứa con nhỏ lên đường từ Paris trở về Việt Nam. Ngoài khát vọng, hành trang khi ấy của hai vợ chồng bà còn có những thiết bị chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học, từ tài liệu, dụng cụ thí nghiệm, thiết bị đo lường, thông số kỹ thuật cho tới những tư liệu cần thiết cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh.

Một nhà khoa học dấn thân

Thời gian đầu mới về nước, TS Lương Bạch Vân và chồng công tác tại Nhà máy bán dẫn Z181 thuộc Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng ở Hà Nội. Sau đó, gia đình chuyển vào TP.HCM, làm việc tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới rồi sau đó là Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM.

Năm 1985, bà đến gặp ông Dương Quang Trung, lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, bày tỏ mong muốn được sản xuất vòng tránh thai cho phụ nữ. Ông Trung liền đề nghị bà viết một lá thư trình bày tâm nguyện và gửi lên Bí thư Thành ủy. Vài ngày sau, bà nhận được một tờ giấy, có nội dung: "Đề nghị các sở, ngành tạo điều kiện cho TS Lương Bạch Vân thực hiện Chương trình Kế hoạch hóa gia đình, hạn chế tăng dân số của nhà nước" và người ký là ông Võ Văn Kiệt.

TS Vân nhớ lại thời điểm đó, kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nguyên liệu sản xuất vòng tránh thai lại bị Mỹ cấm vận. Tuy vậy, nhờ nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên mà dự án vẫn được triển khai. Từ những lô hàng đầu tiên có 5.000 chiếc, rồi tăng lên 50.000, 100.000 và cuối cùng là 5 triệu vòng tránh thai "Hạnh Phúc" được sản xuất và phân phối trên toàn quốc.

Khi biết Việt Nam đã tự sản xuất được vòng tránh thai, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) cử đoàn đến kiểm tra và rất thán phục khi dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, Việt Nam vẫn tổ chức sản xuất và phân phối vòng tránh thai một cách an toàn.

Năm 1986, TS Vân giữ chức Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo, thuộc dự án VIE/85/012 do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tài trợ. Trung tâm này, với sự dẫn đầu của TS Vân, đã góp phần phát triển ngành nhựa trong nước. Bên cạnh đó, trong vai trò điều phối viên dự án hợp tác khoa học - kỹ thuật Việt - Pháp về "Polime và vật liệu composite", bà đã tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên sâu cho ngành nhựa, hướng dẫn và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm composite như xuồng, ghe, bồn nước… cho 6 tỉnh ĐBSCL.

Trong thời kỳ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, khi biết nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì sốt rét và sốt xuất huyết, TS Vân chủ động tổ chức sản xuất và phân phối 5.000 thanh diệt muỗi "tiết chậm", bảo vệ người lính nơi tiền tuyến, giảm thiểu đáng kể thương vong.

Xông pha, dấn thân và không ngại khó, khi thì bà lặn lội ở ĐBSCL giúp nông dân sử dụng màng địa chất, vải địa chất, làm hồ chứa nuôi tôm; khi thì lên tận vùng Tây Bắc để nghiên cứu làm túi trữ nước cho đồng bào miền núi.

Đến tuổi nghỉ hưu, TS Lương Bạch Vân vẫn dành trọn tâm huyết cho công tác cộng đồng. Năm 2003, bà được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM mời tham gia Ban Thường trực, phụ trách công tác đối ngoại nhân dân và vận động, kết nối trí thức Việt ở nước ngoài cùng chung tay xây dựng đất nước.

Để tiếp cận được đông đảo kiều bào, TS Vân đề xuất thành lập các Ban Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại 24 quận, huyện của TP.HCM, hướng dẫn kiều bào các thủ tục mua nhà, đầu tư, kinh doanh và khuyến khích bà con tham gia hoạt động xã hội, từ thiện, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, cấp học bổng cho sinh viên.

Năm 2006, bà trở thành chủ tịch đầu tiên của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, đồng thời sáng lập Trung tâm Hỗ trợ kiều bào - nơi được xem như "ngôi nhà chung" của kiều bào khi trở về nước.

Nhìn lại chặng đường đã qua, từ những ngày đầu gian khó sau thống nhất đến hiện tại, TS Vân tin tưởng đất nước đang đứng trước những cơ hội vàng để vươn lên mạnh mẽ. Bà chia sẻ mình rất biết ơn các thế hệ lãnh đạo TP.HCM đã tin tưởng giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để bà cùng các đồng nghiệp phát huy chuyên môn, đóng góp xây dựng thành phố trở thành nơi đáng sống.