Nhảy đến nội dung
 

Cơ hội hiếm có chiêm ngưỡng những tác phẩm vang bóng một thời Sài Gòn xưa

Triển lãm 'Tác phẩm vang bóng một thời Sài Gòn xưa' là cơ hội hiếm có để công chúng chiêm ngưỡng một phần trong bộ sưu tập hơn 300 tác phẩm của nhà sưu tập Vũ Đình Hải, trước khi ông mang hết sang Mỹ để bảo quản.

Diễn ra từ nay đến hết 3-7 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm Tác phẩm vang bóng một thời Sài Gòn xưa do nhà sưu tập Vũ Đình Hải thực hiện, quy tụ khoảng 60 tác phẩm của hơn 30 họa sĩ, đa số từng sống và làm việc tại miền Nam trong giai đoạn 1960-1975.

Đây là dịp hiếm có để công chúng tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm của những tên tuổi một thời vang bóng mỹ thuật miền Nam trước 1975.

Một phần ký ức mỹ thuật Sài Gòn xưa

Bước vào không gian Hội Mỹ thuật TP.HCM những ngày này, người xem như được ngược dòng thời gian về lại một thời Sài Gòn xưa rực rỡ và đầy hoài niệm. Những bức tranh sơn dầu, sơn mài, tranh giấy dán… của hơn 30 họa sĩ mở ra một dòng chảy ký ức sống động.

Có những tên tuổi tưởng chỉ còn lại trong sách vở bỗng hiện ra rõ nét: Bé Ký, Hồ Hoàng Đài, Nguyễn Trí Minh, Lê Chánh, Phương Quang, Huy Dũng, Tạ Tỵ, Nguyễn Gia Trí… Nhiều tác phẩm phản ánh sinh hoạt thường ngày, con người và cảnh vật Sài Gòn xưa, mang chất thơ, chất đời và chiều sâu văn hóa.

Trong đó có những bức được sáng tác từ thập niên 1950 như “Đêm vui” hay “Mùa xây dựng” của danh họa Tạ Tỵ, người tiên phong trong trừu tượng và lập thể tại Việt Nam.

Người xem cũng có dịp thưởng thức những bức ký họa giàu cảm xúc của danh họa Bé Ký, "biểu tượng vỉa hè" của Sài Gòn với phong cách chân phương, độc đáo.

Bên cạnh đó là những bức tranh giấy dán với chiều sâu và tính biểu cảm mạnh mẽ của hai họa sĩ cao niên Hồ Hoàng Đài và Hồ Thành Đức.

Những tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi như Văn Đen, Tạ Tỵ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Trí Minh... nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà sưu tập, công chúng yêu mỹ thuật và các bạn sinh viên đam mê hội họa đến thưởng lãm.

Ấn tượng nhất là bức sơn mài trừu tượng khổ lớn của danh họa Nguyễn Gia Trí, người được mệnh danh là “cha đẻ của tranh sơn mài tân thời Việt Nam”.

“Trong số các tranh đợt này, tôi thích bức của Nguyễn Gia Trí nhất vì đó là tranh anh trai lưu giữ và để lại cho tôi. Cụ Trí là người đã tạo ra sơn mài đặc trưng của Việt Nam, cũng có lẽ là người đầu tiên thể hiện trừu tượng bằng sơn mài Việt Nam” - nhà sưu tập Vũ Đình Hải kể.

Bức tranh được Nguyễn Gia Trí vẽ trong thập niên 1960, thời điểm danh họa này phát triển kỹ thuật sơn mài đặc trưng thuần Việt với sơn ta, màu vàng thật và bảng màu tự phối.

"Đây là cơ hội ngàn vàng. Không dễ gì chúng ta có cơ hội tiếp cận tranh của các tác giả vang bóng một thời Sài Gòn xưa, vì tranh thời đó thất lạc rất nhiều.

Nhìn vào tác phẩm, có thể thấy hội họa miền Nam khi đó vẫn giữ phong cách hàn lâm xưa, tâm hồn không phải của mỹ thuật Đông Dương mà rất chân chất, hồn hậu của người miền Nam" - nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cảm nhận.

Tấm lòng của người gìn giữ ký ức

Từ đầu những năm 1980, khi đất nước còn nhiều khó khăn, Vũ Đình Hải đã âm thầm túc tắc gom góp tranh từ vỉa hè, chợ cũ, hiệu sách, thậm chí từ bạn bè. Sinh năm 1956, ông có niềm đam mê đặc biệt đối với hội họa và tình yêu mến đối với các họa sĩ Sài Gòn xưa.

Đến năm 1985, ông sở hữu khoảng 300 bức tranh, phần lớn là tác phẩm của các họa sĩ miền Nam trước 1975, nhiều người trong số họ là cựu sinh viên Trường vẽ Gia Định, cái nôi của mỹ thuật Nam Kỳ lục tỉnh.

Trong năm 2018-2019, ông Hải đã mang khoảng 200 bức sang nhà tại Mỹ để bảo quản tốt hơn. Đợt này, trước khi đưa 100 bức còn lại về Mỹ, ông chọn 60 bức tổ chức triển lãm để anh em, bạn bè và công chúng có dịp nhìn lại những tác phẩm của các họa sĩ vang bóng một thời nay đã không còn nữa.

“Nhiều người muốn mua nhưng tôi không bán” - Vũ Đình Hải khẳng định. Với ông, tranh không phải tài sản, mà là kho ký ức quý giá cần được gìn giữ. "Tôi muốn lưu giữ để các thế hệ sau còn cơ hội xem và tìm hiểu về quá khứ. Mình không có ý gì, chỉ có tình cảm gửi lại cho các em" - nhà sưu tập xúc động bày tỏ.

Triển lãm không chỉ gợi nhớ một thời vàng son của hội họa miền Nam, mà còn là dịp hiếm có cho giới nghiên cứu, sinh viên, công chúng yêu mỹ thuật được tiếp cận trực tiếp với các tên tuổi từng chỉ xuất hiện trên sách báo.

Trong số các tác giả, chỉ còn lại duy nhất họa sĩ Hồ Hoàng Đài. Ông cũng là một trong số ít họa sĩ cao niên của mỹ thuật thành phố ở hàng tuổi cửu thập. Nói như nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: “Mỗi nét cọ, mỗi mảng màu là một câu chuyện, một nhịp cầu nối giữa quá khứ và hôm nay”.

Chính vì vậy, việc nhà sưu tập Vũ Đình Hải cất công gìn giữ và giới thiệu tác phẩm qua triển lãm này không chỉ mang ý nghĩa nghệ thuật, mà cả giá trị lịch sử và giáo dục sâu sắc.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn