Nhảy đến nội dung
 

Có gì ở 'thành phố sân bay' Long Thành?

Để phát huy tiềm năng của sân bay Long Thành, Đồng Nai lên ý tưởng quy hoạch nơi đây trở thành một thành phố sân bay, xung quanh có các phân khu: công nghệ, logistics, đô thị, giải trí…

Theo kế hoạch, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2026 với công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Lấy sân bay Long Thành làm trung tâm

Từ nhiều năm trước đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xác định, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động không chỉ tạo ra vị thế mới cho ngành hàng không VN mà còn mở ra một mô hình phát triển mới cho Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

Chính vì thế, trong quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai đặc biệt kỳ vọng vào một "thành phố sân bay" ở Long Thành. Những năm qua, Đồng Nai đã có những bước đi bài bản, từng bước đặt nền móng cho đô thị trong mơ này. Trong đó, tỉnh giao Sở Xây dựng nghiên cứu ý tưởng quy hoạch khu vực xung quanh sân bay Long Thành, với một bản đồ quy hoạch "Thành phố sân bay Long Thành" quy mô hơn 57.000 ha, địa giới bao gồm toàn bộ H.Long Thành và một phần của H.Thống Nhất và Cẩm Mỹ.

Trong tấm bản đồ này, Sở Xây dựng lấy sân bay Long Thành hạt nhân để từ đó quy hoạch các phân khu nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vị trí.

Tiếp đó, vào cuối 2024, Đồng Nai đã tổ chức cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận". Giám đốc Sở Xây dựng khi đó là ông Hồ Văn Hà (hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) nói rằng thông qua cuộc thi này, tỉnh kỳ vọng sẽ nhận được những ý tưởng quy hoạch tốt, đột phá đối với đồ án quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận.

Cuộc thi đã thu hút nhiều đơn vị có tên tuổi tham gia. Kết quả, liên danh Viện Kiến trúc quốc gia - Công ty Nihon Sekkei (Nhật Bản) - Công ty CP công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco đoạt giải nhất với trị giá 2 tỉ đồng. Liên danh này lấy ý tưởng chủ đạo là mô hình thành phố song sinh, cụ thể TP.HCM và Long Thành sẽ kết nối tạo nên khu vực cạnh tranh toàn cầu, trong đó lấy sân bay Long Thành làm trung tâm.

Những công trình "khủng" xung quanh thành phố sân bay

Ngoài sân bay Long Thành làm trung tâm, xung quanh được thiết kế với khu vực phát triển thương mại - dịch vụ - tài chính và trung tâm tổ chức sự kiện (quy hoạch nằm phía tây nam và đông bắc của sân bay Long Thành, rộng khoảng 1.700 ha); khu vực phát triển về logistics, công nghiệp công nghệ cao, phát triển về công nghệ sinh học cấp khu vực và quốc tế (phía nam và đông bắc sân bay, được đề xuất rộng khoảng 7.100 ha); khu vực nghiên cứu, giáo dục đào tạo quốc tế với quy mô khoảng 100 ha được đề xuất quy hoạch tại phía nam sân bay Long Thành; phía đông nam sân bay được đề xuất quy hoạch khu vui chơi, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng với quy mô khoảng 1.800 ha.

Bên cạnh các khu chức năng nói trên là các khu đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng được quy hoạch bài bản, đáp ứng mục tiêu một thành phố hiện đại.

Song song với việc tìm kiếm ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai cũng kêu gọi đầu tư đối với hàng loạt dự án "khủng" tại đây, để khi thành phố sân bay được "khai sinh" thì có sẵn các nguồn lực để triển khai xây dựng.

Điển hình là tổ hợp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu rộng 300 ha nằm phía tây bắc sân bay Long Thành. Đây là nơi ươm mầm tài năng, tài trợ sáng kiến, hỗ trợ phát triển và thử nghiệm sản phẩm, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh. Ngoài ra, các khu phức hợp giải trí, hội nghị, triển lãm, khách sạn hiện đại chuẩn 5 sao trở lên cũng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư.

Những kỳ vọng

Với khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung rộng 100 ha, theo ông Tạ Quang Trường, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai: "Đây là nơi hình thành hệ sinh thái cơ sở hạ tầng hỗ trợ CNTT, công nghệ số, big data (dữ liệu lớn) và các dịch vụ hỗ trợ phát triển CNTT khác…".

Ông Trường cho biết thêm, cuối tháng 2.2025, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch 443 về thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển công nghiệp công nghệ số bền vững trên địa bàn, với hạt nhân là Khu CNTT tập trung Long Thành (còn gọi là Khu công nghiệp công nghệ số Long Thành); hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số của tỉnh với các công nghệ chiến lược gồm: bán dẫn, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), big data, điện toán đám mây (cloud), chuỗi khối (blockchain). Thu hút được ít nhất một doanh nghiệp công nghệ số lớn hàng đầu trên thế giới đầu tư và sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết: "Mục tiêu là phát triển đô thị sân bay Long Thành thành một trong những đô thị trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và là vùng động lực phía nam. Cũng từ mục tiêu đó, Long Thành được định hướng phát triển để trở thành hạt nhân, vừa là trung tâm kinh tế - xã hội có vai trò dẫn dắt của tỉnh Đồng Nai, vừa tạo động lực lan tỏa sự phát triển mạnh mẽ cho toàn khu vực".