Nhảy đến nội dung
 

Có gì đặc biệt trong các quán Đạo giáo?

Cuốn sách “Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam” của TS Nguyễn Thế Hùng là công trình chuyên khảo về loại hình di tích tôn giáo đặc biệt này.

Khi đình, chùa, đền, miếu đã khẳng định vị thế vững chắc trong nhận thức cộng đồng và chính sách bảo tồn di sản, quán Đạo giáo là một loại hình di tích gắn liền với sự du nhập và bản địa hóa của Đạo giáo ở Việt Nam, lại đang dần rơi vào quên lãng. Không chỉ thiếu các công trình nghiên cứu chuyên sâu, nhiều quán Đạo giáo còn bị hiểu sai, bị đồng nhất với kiến trúc chùa hay đền, dẫn đến việc tu bổ, trùng tu sai lệch, thậm chí là mất dấu.

Trong bối cảnh đó, công trình chuyên khảo Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam của TS Nguyễn Thế Hùng được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành như một tiếng chuông đánh thức, nhấn mạnh giá trị lịch sử - tôn giáo - nghệ thuật đặc sắc của các quán Đạo giáo, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng và các nhà quản lý văn hóa.

Dao giao,  Tam giao dong nguyen,  Tam giao Viet Nam,  ton giao Viet Nam anh 1

Cuốn sách Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam của TS Nguyễn Thế Hùng. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Nét độc đáo của hàng chục quán Đạo giáo

Qua khảo sát thực địa hàng chục quán Đạo giáo tại vùng xứ Đoài, cụ thể là khu vực phía tây và tây nam Hà Nội, tác giả đã chứng minh rằng quán Đạo giáo là loại hình di tích có bề dày lịch sử, có phong cách kiến trúc riêng biệt và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Theo TS Nguyễn Thế Hùng, sự tồn tại của các quán như Linh Tiên, Hội Linh, Hưng Thánh, Lâm Dương... với dấu tích kiến trúc từ thế kỷ XVI - XVII cho thấy: “Sự tồn tại của những quán Đạo giáo ở Hà Tây xưa và nhiều địa phương chứng tỏ thiết chế tôn giáo này giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của các thế hệ người Việt” (trang 256).

Tác giả đặc biệt nhấn mạnh sự khác biệt trong mặt bằng kiến trúc của quán Đạo giáo: từ hình chữ Tam ở thế kỷ XVI, biểu hiện cho sự phân tầng ba cõi sang hình chữ Công ở thế kỷ XVII, thể hiện tính liên kết, nội kết giữa các khối không gian thờ tự. Tác giả cũng phát hiện rằng, một số quán còn giữ được Hậu đường và Gác chuông, một kiểu kiến trúc từng rất phổ biến nhưng hiện nay ít được bảo tồn đúng nguyên trạng. Chính các chi tiết kiến trúc này đã tạo nên sự phân biệt căn bản giữa quán Đạo giáo với các công trình Phật giáo hay đền miếu dân gian.

Không dừng lại ở kiến trúc, hệ thống tượng pháp trong các quán Đạo cũng phản ánh sự phong phú, đa tầng của niềm tin và nghệ thuật dân gian Việt.

Tác giả phân chia tượng pháp thờ trong quán Đạo giáo thành bốn nhóm: từ các pho tượng phổ quát như Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu - Nam Tào; đến các pho tượng chỉ hiện diện trong những quán cá biệt như Tây Vương Mẫu, Đông Nhạc Đại Đế, và cả nhóm tượng thể hiện sự giao thoa với Phật giáo.

Những quan sát ấy cho thấy, quán Đạo giáo không chỉ đơn thuần là nơi thờ phụng, mà còn là nơi thể hiện quá trình bản địa hóa Đạo giáo, sự tiếp biến văn hóa và sáng tạo tín ngưỡng rất đặc thù của người Việt.

Dao giao,  Tam giao dong nguyen,  Tam giao Viet Nam,  ton giao Viet Nam anh 2

Bàn thờ Khổng Tử ở quán Linh Tiên. Ảnh: Báo Lao động.

Cần bảo tồn di sản quán Đạo giáo

Một điểm đáng chú ý trong cuốn sách là tác giả đã đặt vấn đề về sự suy giảm của hệ thống quán Đạo giáo qua thời gian. Trải qua các cuộc chiến tranh, đô thị hóa và biến đổi xã hội, nhiều quán Đạo bị phá hủy, xuống cấp hoặc cải biến sai lệch.

Vì vậy, thông qua khảo cứu chi tiết, hệ thống hóa tư liệu và phân tích so sánh sâu sắc, cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc nhận diện giá trị học thuật của quán Đạo giáo mà còn đưa ra một thông điệp quan trọng: cần xem các quán Đạo giáo như một bộ phận thiết yếu trong hệ sinh thái di sản văn hóa, cần được bảo tồn với đúng nhận thức, đúng phương pháp. Việc phục dựng các quán Đạo giáo không nên chỉ dừng ở hình thức kiến trúc mà phải đi kèm với việc hiểu rõ hệ thống tín ngưỡng, lễ nghi và biểu tượng tôn giáo bên trong chúng.

Cuốn sách Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam vì thế không chỉ là tài liệu cho giới nghiên cứu sử học, tôn giáo học và văn hóa học, mà còn là cẩm nang tham khảo thiết thực cho những người làm công tác bảo tồn, tu bổ di tích và phát triển du lịch văn hóa.

GS.TS Nguyễn Văn Kim đã nhận định trong lời giới thiệu sách: “Cuốn sách không chỉ góp phần nghiên cứu lịch sử và tôn giáo Việt Nam; hướng tới những nhận thức ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về Đạo giáo, Tam giáo mà còn là một chuyên khảo có giá trị trong công tác quản lý di tích; làm cơ sở cho việc giữ gìn, bảo vệ, định hướng khai thác, phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật tôn giáo cũng như các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tâm linh diễn ra trong các không gian văn hóa, kiến trúc truyền thống hiện nay” (Trích đoạn trang 10).

Trong xu thế hội nhập và hiện đại hóa ngày nay, việc nhìn nhận lại các di sản tín ngưỡng như quán Đạo giáo là hết sức cần thiết. Đó không chỉ là hành động bảo tồn, mà còn là cách để khơi dậy lại những lớp trầm tích văn hóa, giúp người Việt hôm nay hiểu sâu hơn về căn cốt tín ngưỡng của dân tộc mình - nơi Đạo, Phật, Nho không tách rời, mà hòa quyện trong từng nếp sống, mái đình, mái quán từ bao đời.

TS Nguyễn Thế Hùng từng là Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trong giai đoạn 2009-2019. Giai đoạn 2019-2020, ông giữ chức Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giai đoạn từ 2020 tới tháng 3/2025, ông đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn