Cô gái Nùng trúng tuyển đại học số 1 Trung Quốc

Vy Thị Huyền Trang, 23 tuổi, nhận tin trúng tuyển ngành Kỹ thuật và Quản lý Logistics của Viện Nghiên cứu sau đại học quốc tế Thanh Hoa Thâm Quyến (Tsinghua SIGS), thuộc Đại học Thanh Hoa, hôm 10/7. Theo xếp hạng THE 2025, trường ở vị trí thứ 12 thế giới và dẫn đầu châu Á.
"Tôi rất hạnh phúc. Việc được nhà trường công nhận và cấp học bổng khiến tôi tự tin hơn nhiều", cô gái Lạng Sơn chia sẻ.
Trang trước đó đã giành học bổng của Chính phủ Trung Quốc bậc thạc sĩ vào Đại học Tài chính Kinh tế Thượng Hải, trúng tuyển Đại học Giao thông Thượng Hải. Đây đều là những ngôi trường trong diện đầu tư trọng điểm ở nước này.
Trang kể tiếp xúc tiếng Trung từ năm lớp 6, khi thần tượng nhóm nhạc nổi tiếng TF Boys. Cô cũng thích xem các chương trình giải trí hay tranh biện trên truyền hình Trung Quốc.
"Lúc đầu, tôi cứ xem mà không cần hiểu. Dần dần, tôi quen âm, vừa nghe vừa đoán", Trang nói.
Năm lớp 8, thấy trong thôn có một số anh, chị biết tiếng Trung kiếm được nhiều tiền, nữ sinh người Nùng xin bố mẹ cho học thêm ngoại ngữ này.
Nhà Trang ở thôn Nà Thà, xã Yên Thạch, huyện Cao Lộc (cũ), trong khi lớp học tiếng Trung ở thành phố, cách chừng 10 km, lại phải đi qua quốc lộ 1A có nhiều xe cộ. Vì thế, Trang rủ thêm ba bạn trong xã cùng đi học. Nhưng đến buổi thứ ba, lớp chỉ còn mình Trang, học 1-1 với giáo viên.
Trang cho hay tiền học mỗi buổi 250.000 đồng, tổng khoảng hai triệu đồng một tháng, là rất lớn với gia đình lúc đó. Bố mẹ Trang dành dụm từ tiền bán hàng tạp hóa, trồng gừng và ớt, để cô đi học.
Cô Hoàng Thu Hương, giáo viên tiếng Trung của Trang, kể những ngày đầu đến lớp, học trò nói tiếng Việt còn chưa sõi.
"Bất kể thời tiết ra sao, Trang cũng luôn đến học đúng giờ và không bỏ buổi nào. Thậm chí có hôm bạn ấy còn ở nhà tôi học từ sáng sớm đến 15h", cô Hương nhớ lại.
Theo Trang, học tiếng Trung khó nhất là phần viết vì nhiều bộ thủ. Cách của cô là luyện viết nhiều và ghi nhớ ý nghĩa.
Tranh thủ những lúc trông hàng tạp hóa cho bố mẹ, cô đọc to những bài khóa trong sách, tới mức thuộc lòng để rèn sự lưu loát, phản xạ nhanh. Trang cũng trò chuyện với các công nhân Trung Quốc làm ở xưởng lọc dầu gần nhà khi họ đến mua hàng hay với người lớn tuổi biết tiếng Trung trong làng.
Sau hai năm, nữ sinh thi đỗ á khoa lớp 10 chuyên tiếng Trung của trường THPT chuyên Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn. Cô cho hay ở thôn, nhiều bạn bè cùng trang lứa nghỉ học đi làm công nhân hoặc lấy chồng. Trong nhà, bà ngoại cũng không muốn cháu gái xa nhà nhưng Trang quyết tâm đi học.
"Tôi khao khát khám phá thế giới ngoài kia và mong có cuộc sống vật chất đủ đầy", cô nói.
Ở trường chuyên, Trang được tiếp xúc với nhiều bạn bè ở thành phố, tư duy cởi mở, nên cũng nuôi ước mơ du học. Trong ba năm trung học, Trang nhiều lần giành giải thi học sinh giỏi tiếng Trung cấp tỉnh, từng tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.
Năm 2020, nữ sinh được học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc để theo học ngành Ngôn ngữ Trung (phương hướng thương mại) tại Đại học Ký Nam. Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 nên năm 2023, cô mới được sang trường học trực tiếp.
Trang nhìn nhận việc học không quá áp lực nên dành thời gian học thêm về công nghệ thông tin, lập trình Python và tiếng Anh. Những lúc rảnh, cô tham gia nhiều sự kiện để mở rộng mối quan hệ.
Năm thứ tư, Trang thực tập tại một công ty logistics, với nhiệm vụ tối ưu hóa quá trình chuỗi cung ứng. Khóa luận của Trang về chủ đề cải thiện hình tượng doanh nghiệp Việt Nam trong cách nhìn của doanh nghiệp Trung Quốc đạt 92/100 điểm.
"Hội đồng đánh giá đây là khóa luận tốt nghiệp xuất sắc", thầy Wang Yu, giáo viên chủ nhiệm Trang ở Đại học Ký Nam, nói. Theo ông, Trang tốt nghiệp với điểm trung bình 4.32/5.
Thầy Yu ấn tượng với Trang ở tinh thần dám thách thức bản thân, vượt qua giới hạn, không ngừng theo đuổi mục tiêu cao hơn.
Hồi tháng 5 năm nay, Trang nộp hồ sơ ứng tuyển vào Đại học Thanh Hoa. Trong bản kế hoạch học tập, Trang cho biết sẽ cố gắng học vững các môn lý luận chuyên ngành vào năm thứ nhất. Từ năm thứ hai, cô ôn luyện chứng chỉ SCMP (Quản lý chuỗi cung ứng chuyên nghiệp) và thực tập tại doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics thông minh. Ngoài ra, Trang cũng chọn các môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp, tìm hiểu chương trình trao đổi sinh viên quốc tế của Đại học Thanh Hoa, trước khi tập trung hoàn thành luận văn vào năm cuối.
Dù trường không yêu cầu nhưng Trang còn nêu cả định hướng nghiên cứu và mục tiêu phát triển sự nghiệp.
"Tôi muốn làm việc trong lĩnh vực logistics thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng ở Việt Nam, đặc biệt tại Lạng Sơn", cô nói.
Được gọi vào vòng phỏng vấn, Trang nhận được câu hỏi về lý do chuyển từ Ngôn ngữ Trung sang lĩnh vực logistics. Nữ sinh cho rằng lĩnh vực mới có nhiều đặc điểm phù hợp với bản thân. Trang cũng có kinh nghiệm làm việc ở các công ty liên quan, biết về AI và có sẵn đề xuất nghiên cứu. Cô còn thực lòng chia sẻ mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn. Một tháng sau, Trang nhận được thư báo đỗ.
Hiện, Trang ở Trung Quốc, tranh thủ du lịch một số nơi, trước khi bắt đầu chương trình thạc sĩ vào tháng 8.
"Tôi chưa từng nghĩ đến được Thanh Hoa nhưng không bỏ cuộc mà luôn quyết tâm theo đuổi. Tôi mong sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ở vùng quê của mình", Trang nói.
Bình Minh