Có ai ở Khánh Hòa trước năm 1975, đem con cho gia đình thợ vàng?

Hơn 50 năm đời người, lần đầu người phụ nữ Pháp gốc Việt trải lòng về hành trình tìm mẹ ruột ở Khánh Hòa của mình.
Múi giờ Việt Nam đi trước Pháp 6 tiếng, tôi và bà Thu Hà tranh thủ hẹn nhau vào một ngày cuối tuần để kể - nghe chuyện hồi xưa. Đó là chuyện ở Khánh Hòa trước 1975…
Tuổi U.60 tìm mẹ ruột!
Nhờ sự kết nối của ông Huỳnh Tấn Sinh, một người Việt Nam tốt bụng đang sống ở Paris, tôi có dịp gặp gỡ bà Aurelia, tên tiếng Việt là Phạm Thu Hà. Ông Sinh, nhiều năm qua, vốn là nổi tiếng trong việc hỗ trợ các trường hợp người nước ngoài tìm thân nhân ở Việt Nam thành công, hoàn toàn miễn phí!
Trong cuộc gọi điện thoại từ TP.HCM đến TP.Nice, miền nam nước Pháp cách nhau hàng chục ngàn cây số, bà Hà trầm ngâm kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình.
Trước đó, tôi đã tìm hiểu về cuộc đời và câu chuyện tìm mẹ ruột của bà Thu Hà, bắt đầu bằng những hồ sơ cũ kỹ ghi bằng tiếng Pháp được lưu giữ hàng thập kỷ. Bà Hà, tên khai sinh là Phạm Thu Hà, sinh ngày 24.4.1972 tại xã Ninh Hiệp, Ninh Hòa (Khánh Hòa). Nhưng bà nói rằng trên thực tế, mình sinh năm 1969, nay đã 56 tuổi.
Trong hồ sơ, cha mẹ nuôi của bà đều là người Việt Nam ở Khánh Hòa. Cha nuôi bà là ông Phạm Văn Cường, sinh năm 1930, làm nghề thợ vàng. Mẹ nuôi là bà Nguyễn Thị Ngọc Chiếu, sinh năm 1931 làm nghề buôn bán, nay đều đã rời cõi tạm.
"Tôi được nghe kể lại, khi mới sinh ra đời, mẹ ruột của tôi đã đem tôi cho cha mẹ nuôi, là một gia đình khá giả. Cha mẹ nuôi tôi có 6 người con, tôi là con thứ 7. Năm 1975, họ sang Pháp, để lại tôi cho người quen của cha mẹ nuôi tôi, là cô Chín nuôi nấng. Đến năm 1980, tôi mới được đưa sang Pháp, khi đã 8 tuổi", bà kể lại.
Tất cả những thông tin mà người phụ nữ Pháp gốc Việt này có về cha mẹ ruột hoàn toàn là con số 0. Bà còn không biết được thêm bất kỳ thông tin nào từ cha mẹ nuôi quá cố của mình.
Cô Chín của bà Thu Hà hiện đang sống ở Anh, vẫn còn khỏe mạnh. Họ vẫn giữ liên lạc và kết nối với nhau. Tuy nhiên, người này cũng không có thông tin gì về cha mẹ ruột của bà.
"Tại sao chị lại muốn tìm mẹ ruột, ở độ tuổi này?", tôi hỏi. Bà đáp lại, tất cả vì 3 người con của mình. Các con bà, thật tâm muốn biết về nguồn cội, gốc gác của mẹ, về gia đình ngoại ruột ở Việt Nam.
Nhưng phần nào trong trái tim bà Hà có nhiều thắc mắc về cha mẹ ruột của mình, với vô vàn những câu hỏi không có lời đáp: Vì sao mẹ bỏ rơi tôi?, Câu chuyện của tôi là gì?... Người phụ nữ mong rằng có thể giải đáp những thắc mắc đó, một ngày không xa.
Mong chờ một phép màu
Tận sâu trong đáy lòng, bà Thu Hà chưa bao giờ có ý nghĩ oán trách hay giận hờn cha mẹ ruột vì đã bỏ rơi bà. Ngược lại, bà biết ơn vì họ đã mang bà đến với cuộc sống này. Người phụ nữ Pháp gốc Việt tin rằng, không dễ dàng để một người mẹ có thể từ bỏ núm ruột do chính mình sinh ra.
Bà lấy chồng người Ý, có 3 người con. Người con lớn nay đã 32 tuổi, lấy vợ Pháp và đã có con. Con gái út của bà năm nay 22 tuổi. Bà Hà hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống của mình.
Nhưng cuộc sống ấy sẽ trở nên trọn vẹn hơn, khi bà tìm được gia đình Việt Nam của mình, bằng một cách kỳ diệu nào đó. Liệu rằng có ai năm xưa từng cho một đứa bé gái cho gia đình thợ vàng ở Khánh Hòa, nay còn nhớ? Liệu rằng, mẹ ruột bà Hà còn sống trên cuộc đời này không?
"Nếu có một điều muốn nói với mẹ ruột, nếu bà ấy còn sống, bà sẽ nói gì?". Nghe tôi hỏi, bà Hà lặng một khoản, nói rằng thật khó để có thể nói điều gì đó. Bởi trước đây, bà chưa từng có ý định tìm gia đình ruột. Hành trình này chỉ mới bắt đầu cách đây vài tháng. Tuy nhiên, bà thật tâm mong tìm lại gia đình, để khám phá hết câu chuyện về cuộc đời mình.
Ông Huỳnh Tấn Sinh bày tỏ sự xúc động trước câu chuyện của bà Thu Hà. Ông cho cho biết với những manh mối ít ỏi, hy vọng bà sẽ tìm thấy phép màu, thông qua bài viết này trên Báo Thanh Niên.
Nhiều năm trước, bà Thu Hà lần đầu trở lại Việt Nam sau hơn 4 thập kỷ. Tuy nhiên lúc đó, bà giống như một vị khách du lịch. Bà hy vọng sẽ có dịp ghé Việt Nam trong tương lai gần, khi thực sự tìm thấy nguồn cội của mình.