Chuyện tử tế: Cựu chiến binh 28 năm truyền dạy lịch sử bằng âm nhạc

Qua tiếng đàn và giọng hát, những bài học về lịch sử VN của cựu chiến binh Văn Đình Thanh (74 tuổi, ngụ xã Bình Thành, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) gây ấn tượng sâu sắc với học sinh.
THUỘC HÀNG TRĂM BÀI HÁT
Lớp dạy sử của ông Văn Đình Thanh khá đặc biệt vì đặt bên hiên nhà. Khi học sinh đến đông, bàn ghế không đủ, các em thoải mái ngồi bệt xuống nền gạch học hát. Lớp học đơn sơ nhưng nhiều học sinh rất yêu thích bởi được học lịch sử Việt từ âm nhạc, khác cách tiếp cận kiến thức ở trường. Càng thú vị hơn khi ông Thanh là cựu chiến binh trong kháng chiến giành độc lập, biết nhiều chuyện sử ngoài sách giáo khoa.
Ông Thanh kể năm 1963, ông học tập tại Trường thiếu sinh quân - Khu Tây Nam bộ (Cà Mau). Năm 1966, ông xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, gia nhập Đội biệt động vũ trang TP.Cần Thơ. Ba năm sau, ông vào Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cho tới khi đất nước thống nhất. Biết chơi đàn mandolin, lúc ở đơn vị ông đã trổ tài phục vụ mọi người. "Bấy giờ, chiến tranh ác liệt lắm. Âm nhạc đã cổ vũ tinh thần người chiến sĩ rất hiệu quả. Hầu hết thời gian rảnh là chúng tôi ôm đàn ngồi hát cùng nhau", ông kể.
Đất nước thống nhất, ông Thanh về quê công tác đến lúc nghỉ hưu. Năm 1997, qua cuộc bàn thảo tâm huyết của các cựu chiến binh xã Bình Thành, ông tham gia mở câu lạc bộ "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo". Ban đầu, ông Thanh và một người bạn là ông Sáu Quý phụ trách lớp dạy lịch sử, nhưng 2 năm sau ông Quý mất, ông Thanh một mình đảm đương đến nay.
Trước đây, ông Thanh thường dạy vào chủ nhật, khi học sinh nghỉ hè thì dạy 3 - 4 ngày/tuần. Vài năm nay, tuổi tác đã cao nên ông chỉ dạy vào chủ nhật. Mỗi buổi dạy không thể thiếu cây đàn mandolin, loại nhạc cụ mà ông đã làm quen từ lúc 3 tuổi. "Giáo án" của ông là những lời bài hát có cả chữ in và viết tay. "Tôi biết gần 1.000 bài hát, trong đó thuộc lòng vài trăm bài, gồm các nhạc phẩm cách mạng và thiếu nhi. Lật đến bài nào là tôi nhớ ngay tiết tấu, nhịp điệu, có thể đàn và hát được ngay", ông chia sẻ.
TÂM HUYẾT VỚI HỌC TRÒ
Khi dạy hát, ông Thanh dành thời gian tìm hiểu sâu về nhạc sĩ, hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh lịch sử, ý nghĩa ca từ của bài hát để dạy cho học sinh. Dạy hát tới đoạn nào có điển tích, điển cố, nhân vật lịch sử thì ông dừng lại giải thích, giới thiệu và kể thêm những mẩu chuyện, trận đánh hay để các em hiểu hơn về lịch sử VN. "Để có kiến thức dạy sử, tôi đọc thêm nhiều sách, báo. Tôi muốn các cháu biết rõ lịch sử dân tộc mình để càng yêu quê hương, đất nước hơn", ông tâm sự.
Lớp học của ông Thanh không phân biệt lứa tuổi, học sinh nào thích đều được tham gia hoàn toàn miễn phí. Dẫu dạy không công, ông rất tâm huyết với học trò. Giữa giờ tập hát là chương trình đố vui có thưởng để tạo không khí sinh động, hấp dẫn. Ông chuẩn bị khoảng 10 câu hỏi bốc thăm trả lời về những ngày lễ kỷ niệm, anh hùng dân tộc, sự kiện tiêu biểu… Trò nào trả lời đúng thì được tặng tập vở nên em nào cũng háo hức tham gia.
Qua 28 năm miệt mài truyền sử bằng âm nhạc, tuy không phải là giáo viên, nhiều thế hệ học trò vẫn gọi ông Thanh bằng thầy với lòng trân trọng và kính yêu. Vì vậy, khi tuổi tác của ông ngày càng cao, nhiều người không khỏi băn khoăn về tính kế thừa của lớp học. Ông Nguyễn Thanh Phương (44 tuổi, phụ huynh học sinh) chia sẻ: "Lớp học của chú Năm Thanh vừa là sân chơi bổ ích vừa có tính giáo dục ý nghĩa. Tôi rất mong chú có nhiều sức khỏe để duy trì lớp học này lâu dài. Nếu nhà trường học hỏi cách làm của chú để dạy sử cho học sinh thì tôi cũng hết lòng ủng hộ".