Chuyển sang xe điện sẽ giúp tài xế công nghệ 'bỏ túi' thêm 5 triệu mỗi năm

Kế hoạch chuyển đổi 400.000 phương tiện 2 bánh của tài xế công nghệ và shipper hoạt động trên địa bàn TP.HCM không chỉ nhằm mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí y tế, đảm bảo sức khỏe cho người dân TP mà còn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính các tài xế - đối tượng yếm thế trong xã hội.
Ngay khi kế hoạch chuyển đổi 400.000 phương tiện 2 bánh của tài xế công nghệ và shipper hoạt động trên địa bàn TP.HCM được khởi động, lo ngại đầu tiên của giới tài xế chính là chi phí chuyển đổi phương tiện. Bản thân các doanh nghiệp cung ứng nền tảng kết nối công nghệ cũng quan ngại khi bắt buộc các tài xế phải lựa chọn phương tiện khác để kiếm thêm thu nhập thì khả năng rất lớn họ sẽ rời bỏ nền tảng, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của tài xế trong thời gian ngắn hạn, đồng thời ảnh hưởng tới giá cước chung trên thị trường.
Tuy nhiên, tính toán về lợi ích của người trực tiếp sử dụng phương tiện cho thấy: chuyển đổi sang xe điện có lợi cho "túi tiền" của tài xế hơn rất nhiều so với việc tiếp tục dùng xe xăng.
Cụ thể, về chi phí lăn bánh, sau tháng 2 năm nay, xe điện và xe xăng hai bánh đều phải chịu mức thuế VAT, lệ phí trước bạ và phí đăng ký biển số như nhau. Tuy nhiên, về chi phí vận hành, giá xăng dù không biến động quá nhiều kể từ năm 2024 nhưng luôn chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố kinh tế - chính trị trong và ngoài nước.
Đơn cử, theo biểu giá xăng RON95 tháng 6 năm 2025, để đổ đầy một bình xăng (đi được 264 km) của mẫu xe Honda Vision, tài xế sẽ phải chi khoảng 100.000 đồng. Theo thống kê của Viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM (HIDS), mỗi tài xế công nghệ ở TP.HCM di chuyển từ 80 km - 120 km/ngày, hành nghề trung bình 25 ngày/tháng. Như vậy, tài xế sẽ phải bỏ ra trung bình không dưới 800.000 đồng mỗi tháng.
Trong khi đó, giá sạc dành cho xe điện ở Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Theo biểu giá hiện tại, mỗi lần sạc đầy xe Evo200 Lite tại trạm sạc của VinFast chỉ tốn hơn 13.000 đồng, chạy được khoảng 200 km. Như vậy, một tính toán đơn giản cho thấy: cùng với hiệu suất sử dụng như trên, tài xế chỉ phải trả khoảng 130.000 đồng mỗi tháng cho tiền sạc điện, qua đó tiết kiệm được khoảng 670.000 đồng mỗi tháng, tương đương hơn 8 triệu/năm (áp dụng cho VinFast Evo200 Lite so với Honda Vision).
Tuy tính toán này chỉ mang tính chất tham khảo, song có thể khẳng định khoản tiết kiệm được nhờ chi phí vận hành thấp của xe điện hai bánh là rất lớn đối với tài xế công nghệ, những người phải chạy hơn 1.000 km mỗi tháng.
Về chi phí khấu hao, xe xăng không phải chịu phí thuê pin hoặc khấu hao pin. Phân tích của HIDS chỉ rõ: phí thuê pin của Vinfast hiện là 350.000 đồng/tháng. Nếu sử dụng di chuyển nhiều có thể lên đến 400.000 đồng một tháng. Nếu tài xế mua mà không thuê pin thì khấu hao pin trong 5 năm rơi vào khoảng 18 triệu đồng. Mỗi tháng tài xế mất 300.000 đồng tiền khấu hao pin đã mua. Nếu chi phí bảo trì, bảo dưỡng của hai loại xe là như nhau thì tài xế công nghệ vẫn mất ít nhất 50.000 đồng thay dầu nhớt (100.000 đồng/lần/2 tháng). Như vậy, dù là thuê hay mua, khấu hao pin sẽ tiêu tốn thêm không quá 400.000 đồng mỗi tháng cho tài xế.
Sau khi đã cân bằng cả chi phí vận hành và chi phí khấu hao của hai loại xe, vẫn có thể thấy tài xế sẽ tiết kiệm được từ 300.000 - 400.000 đồng hàng tháng nhờ chuyển sang xe điện. Sau một năm, khoản tiết kiệm này có thể lên đến gần 5 triệu. Thêm vào đó, công nghệ pin lithium-ion đang phát triển một cách nhanh chóng. Nhờ đó, dung lượng pin và tuổi thọ pin đang không ngừng được cải thiện. Vì vậy, trong tương lai lâu dài, người sử dụng xe nói chung và tài xế công nghệ nói riêng sẽ được hưởng lợi về mặt kinh tế, thậm chí có thể hoàn vốn mua xe điện sau vài năm.