Chuyện những chuyến xe từ 4h, cán bộ công chức đi làm 100km mỗi ngày

(Dân trí) - Từ khi được luân chuyển đến trụ sở mới cách nhà hàng trăm km, anh Sơn Tuấn thay đổi hoàn toàn thói quen sinh hoạt. Anh còn gửi con cho bố mẹ, nhờ vợ thay mình chăm sóc gia đình để yên tâm công tác.
Rời đi khi cả nhà chưa dậy, tranh thủ về ăn những bữa cơm chung
Trời tờ mờ sáng, anh Sơn Tuấn, cán bộ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) rời nhà khi vợ con còn say giấc. Kể từ khi Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào TPHCM, anh Tuấn được luân chuyển công tác đến trụ sở Công an thành phố, cách nhà hơn 100km.
Không còn thói quen dậy sớm chạy bộ, anh giờ phải dành thời gian chuẩn bị sao cho kịp lên chuyến xe đưa đón cán bộ, công chức, khởi hành lúc 5h10.
Để tiết kiệm chi phí, anh Tuấn chọn đi bộ từ nhà đến điểm đón, rồi từ điểm xuống xe đến cơ quan và ngược lại.
“Tổng quãng đường đi bộ mỗi ngày là hơn 2km, tôi xem như tập thể dục bù”, nam cán bộ nói.
Anh Tuấn và vợ có 2 con, bé lớn nhất 9 tuổi và nhỏ nhất là 3 tuổi. Khi hay tin anh được luân chuyển công tác, vợ chồng nhanh chóng bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất sắp xếp chuyện gia đình.
Vợ anh làm ở công ty tư nhân gần nhà, thời gian thoải mái hơn nên ở lại đảm nhận việc chăm sóc gia đình thay cả phần chồng. Sau nhiều năm, nhiệm vụ đưa đón con đến trường, anh Tuấn bàn giao lại hoàn toàn cho vợ. Bởi thời gian anh tan ca, về tới nhà sớm nhất cũng phải gần 19h30.
Trong trường hợp công việc ở cơ quan chưa được xử lý xong, anh sẽ ngủ nhờ nhà chị gái ở khu vực trung tâm thành phố để hôm sau tiện đi làm.
Con đang trong kỳ nghỉ hè nên ban ngày, vợ anh mang các con gửi sang nhà bố mẹ. Đến khi con trở lại nhập học, vợ chồng anh dự định nhờ bố mẹ phụ giúp việc đưa đón, trông các cháu.
Mặc dù cuộc sống gia đình, công việc có nhiều thay đổi, anh Tuấn lạc quan quả quyết, chỉ cần thêm thời gian để làm quen, sắp xếp lại.
“Dù tôi về nhà muộn hơn thường lệ, gia đình vẫn chờ cơm tối. Động lực đó khiến tôi yên tâm công tác hơn”, nam cán bộ bộc bạch.
Biết anh là cán bộ nhận việc ở cơ quan mới chỉ hơn 1 tuần, đồng nghiệp xung quanh ai nấy đều hỗ trợ hết mình. Có người còn ngỏ ý sẵn sàng đổi ca trực để anh Tuấn tiện sắp xếp chuyện gia đình trong những ngày đầu thay đổi nơi công tác, tạo mọi điều kiện để anh làm quen với địa bàn mới.
“Điều khiến tôi bất ngờ nhất chính là văn hóa làm việc. Ở cơ quan mới, tốc độ xử lý công việc của mọi người nhanh hơn, khiến tôi có thêm cơ hội học hỏi nhiều điều”, anh Tuấn kể.
Anh Lê Tấn Hải (45 tuổi), cán bộ Công an TPHCM, từng công tác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), cũng dậy từ 4h để kịp chuyến xe sáng sớm. Trụ sở mới cách nhà hơn 2 tiếng di chuyển, anh Hải không còn thời gian chăm sóc mẹ nhiều nên nhờ em trai phụ giúp thay phần mình.
Như nhiều đồng nghiệp khác, anh Hải cũng chọn đi bộ hơn 2km mỗi ngày để tiết kiệm chi phí thuê xe đi từ nhà và từ cơ quan đến trạm đón/trả.
Về lâu dài, anh cũng nghĩ đến chuyện sẽ thuê nhà gần cơ quan để dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
“Sắp tới, tôi dự định thuê nhà ở trung tâm TPHCM để tiện công tác, cuối tuần sẽ tranh thủ về thăm mẹ và em trai”, nam cán bộ nói.
Tâm thế sẵn sàng đi bất cứ đâu
17h10, chuyến xe đầu tiên trong ngày chở cán bộ từ trung tâm TPHCM về nhà bắt đầu lăn bánh. Khác với những ngày đầu mới tổ chức, xe giờ đây kín người ngồi.
Trên xe, người thì tranh thủ nghỉ ngơi, người thì trò chuyện rôm rả, bày nhau cách sắp xếp công việc, gia đình sao cho hợp lý. Ở những hàng ghế gần cuối, không ít cán bộ tất bật giải quyết nốt công việc vẫn còn dang dở, số còn lại tranh thủ gọi về thông báo cho gia đình.
Anh Lê Phi Vũ (31 tuổi), cán bộ Công an TPHCM, mang nhiều kỳ vọng trong đợt thay đổi này.
“Tinh thần là mình làm hết trách nhiệm. Không đòi hỏi gì cả. Nhà nước luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất có thể, như bây giờ có xe đưa đón thế này đã là điều kiện rất tốt rồi”, anh nói.
Anh Minh Luân (tên được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật), người có hơn 30 năm làm cán bộ Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ), nay là Công an TPHCM, trải lòng rằng những thay đổi này chỉ là “chuyện nhỏ” đối với anh.
“Thậm chí nhiều anh em công tác trong quân đội quanh năm còn phải sống xa nhà, vắng mặt vào những dịp lễ, Tết. Ngoài ra, việc đưa đón người lao động đi làm xa nhà từ sáng sớm và về khi tối muộn từ lâu là chuyện quá bình thường đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân”, nam cán bộ khẳng định.
Anh Minh Luân chia sẻ nếu hôm nào công việc chưa được xử lý xong, anh vẫn vui vẻ chọn ngủ lại cơ quan để kịp hoàn thành nhiệm vụ.
Vợ chồng anh có 3 người con đang trong độ tuổi đi học. Biết mẹ phải thay bố quán xuyến hết việc nhà trong lúc công tác xa, các con của anh Luân bắt đầu tập sống tự lập, thỉnh thoảng chỉ nhờ ông bà giúp đỡ. Anh trải lòng rằng cảm thấy hạnh phúc khi gia đình chủ động trở thành hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác.
“Sẵn sàng có mặt, sẵn sàng phục vụ dù bất cứ đâu, bất cứ khi nào” là tâm thế mà anh Luân có được từ những ngày đầu chọn làm “người nhà nước”.
Song bên cạnh quan điểm cống hiến hết mình cho bộ máy công, anh Minh Luân thừa nhận tại đơn vị, không ít đồng nghiệp có vợ hoặc chồng cùng nhận nhiệm vụ công tác xa nhà, vẫn còn loay hoay trong việc sắp xếp chuyện gia đình. Vì con còn nhỏ trong khi bố mẹ của họ đã lớn tuổi.
Họ cũng trăn trở về một số chi phí phát sinh sau thời gian luân chuyển công tác. Tùy vào tính chất công việc, một số đồng nghiệp của anh hiện chọn thuê nhà tại trung tâm thành phố, ở ghép để thuận tiện hơn.
Về lâu dài, anh Luân cũng thoáng nghĩ đến chuyện sẽ phải thay đổi nơi sinh sống, không chỉ của riêng anh mà là cả gia đình.
Anh kỳ vọng trong thời gian tới, cán bộ có thể được cải thiện về chế độ đãi ngộ hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà, tạo điều kiện mua nhà ở xã hội, bố trí nhà công vụ… để ổn định tâm lý, cuộc sống gia đình, từ đó nâng cao chất lượng nghề nghiệp hơn.
Cải thiện đãi ngộ, môi trường làm việc của cán bộ
Mới đây, trong Hội nghị giao ban chiều 8/7, Bộ Nội vụ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm là cải cách chính sách tiền lương. Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ 5 nghị định và ban hành 4 thông tư về phụ cấp, bảng lương mới, bảo đảm đồng bộ khi sắp xếp đơn vị hành chính; hoàn thành Báo cáo Nghị quyết 27 (tiền lương), Nghị quyết 28 (bảo hiểm xã hội), phương án điều chỉnh lương tối thiểu 2026 và báo cáo Quốc hội tình hình sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội sáng 4/7, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Phạm Thị Thanh Hiền đã thông tin về công tác tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập tỉnh, thành.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, đây là giai đoạn quan trọng, mang tính quyết định để tinh gọn bộ máy, đảm bảo bộ máy mới hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Giai đoạn này cũng đòi hỏi sự nỗ lực của 168 đơn vị hành chính cấp xã, các sở, ngành chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, đặc biệt người đứng đầu cần công tâm, khách quan, bố trí đội ngũ cán bộ đúng chức năng, nhiệm vụ, sở trường công tác, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, trong những ngày đầu tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, từng địa phương, đơn vị đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng vì mục tiêu chung.
"Sau sáp nhập 3 tỉnh, thành, địa bàn của TPHCM mới rất rộng, khoảng cách đi lại là một trở ngại, trụ sở làm việc một số nơi còn chưa đảm bảo. Những điều này gây trở ngại nhất định, nhiều cán bộ, công chức sắp xếp hoàn cảnh gia đình để đến nơi công tác mới", lãnh đạo Sở Nội vụ bày tỏ.
Thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND TPHCM nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức.
“Đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn về gia đình khi di chuyển, đi lại giữa các địa phương, bố trí giải quyết từng trường hợp cụ thể theo nguyện vọng, phù hợp sở trường công tác của cán bộ, công chức, chức năng nhiệm vụ, điều kiện công tác của đơn vị", Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ.
Nội dung, ảnh: Nguyễn Vy - Khánh Ly