Nhảy đến nội dung
 

Chuyện người đàn ông vá cờ bên bờ Hiền Lương

Nhiều người đã nghe kể về chuyện bà mẹ huyền thoại vá cờ bên bờ Hiền Lương - Bến Hải. Trong những năm tháng ấy, có một người đàn ông dành cả tuổi thanh xuân làm đẹp cho lá cờ Tổ quốc luôn xuất hiện thật hoành tráng bên giới tuyến lịch sử.

Hơn 1 thập kỷ làm đẹp lá cờ Tổ quốc

Trong con ngõ nhỏ rực rỡ màu cờ đỏ sao vàng được người dân treo trước cổng nhà để chào mừng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, có một lá cờ đặc biệt hơn cả do một cụ ông 88 tuổi tự tay may từng đường chỉ. Đó là cụ Nguyễn Đức Lãng (trú tại P.5, TP.Đông Hà, Quảng Trị), người có hơn 1 thập kỷ vá cờ Tổ quốc bên bờ Hiền Lương huyền thoại.

Tươi cười khoe lá cờ trước cổng được cụ may chỉ trong 1 ngày, cụ Lãng nhớ lại những tháng ngày của 65 năm về trước khi còn là một chiến sĩ trẻ của lực lượng Công an vũ trang Vĩnh Linh. Hồi ấy, cụ rất vinh dự khi đảm nhiệm việc may những lá cờ dọc giới tuyến và đặc biệt nhất là đại kỳ treo ở cột cờ Hiền Lương.

"Năm 1959, tôi nhập ngũ và công tác tại Ban Hậu cần thuộc lực lượng Công an vũ trang Vĩnh Linh. Tại đây, tôi đảm nhận công việc may các lá cờ treo dọc giới tuyến từ Cửa Tùng lên vùng núi Hướng Lập và cũng là người may lá đại kỳ treo ở cột cờ Hiền Lương", cụ Lãng chia sẻ.

Cụ Lãng sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề may. Từ nhỏ, cụ được dì ruột hướng dẫn cách may quần áo, nên sau khi công tác tại giới tuyến Vĩnh Linh, cụ xin được đảm nhiệm công việc may cờ và vá các lá cờ khi bị hư hỏng do mưa gió, bom đạn. Công việc gắn liền với cụ suốt 13 năm chiến tranh.

"Tôi đảm nhận công việc này từ năm 1960 đến 1973 thì được chuyển vào miền Nam công tác. Với lá đại kỳ treo bên bờ Hiền Lương, thời điểm ban đầu tôi may mất 7 ngày. Nhưng sau một thời gian khi đã quen tay, tôi chỉ mất gần 3 ngày để hoàn thiện lá cờ Tổ quốc rộng nhất thời điểm đó là 96 m2", cụ Lãng kể lại.

Cụ không nhớ rõ những năm tháng ấy đã may tổng cộng bao nhiêu lá cờ, nhưng mỗi tháng cụ may ít nhất 2 lá. Các lá cờ dọc giới tuyến đều phải có lá dự phòng, riêng lá cờ treo bên bờ Hiền Lương lúc nào cũng phải sẵn có 2 lá dự phòng để thay khi lá cờ đang treo bị hư hỏng vì mưa bom, bão đạn.

Đạp xe ra Hà Nội xin vải may cờ

Trong suốt 13 năm làm người may vá cờ, cụ Lãng cũng như các đồng đội khác đã trải qua những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, đặc biệt là thời điểm căng thẳng xảy ra chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Để lá cờ đỏ sao vàng luôn xuất hiện bên dòng sông giới tuyến, cụ Lãng nhiều lần đối diện trước cái chết. "Thời ấy, chiến tranh, chúng tôi thấy cái chết nó bình thường lắm", cụ tâm sự.

"Những năm 1970 – 1973, chiến tranh xảy ra ác liệt, tôi cùng một chiến sĩ khác đạp xe từ Vĩnh Linh ra Hà Nội để trình kế hoạch xin vải về may cờ. Chuyến đi mất khoảng 5 ngày, trên đường không ít lần gặp những trận oanh tạc bom đạn của địch. Cả hai người ngã nhanh ra ruộng để tránh bom đạn, may mắn sống sót thì cả hai lại tìm nhau, hỏi xem có sao không... Khi thấy không sao thì đứng dậy đi tiếp", cụ kể.

Thời điểm đó, đất nước đang trong thời kỳ bao cấp, mọi nhu yếu phẩm đều thông qua tem phiếu, vì chiến tranh đánh phá ác liệt, đường liên lạc với Hà Nội bị gián đoạn. Cụ Lãng mỗi năm phải đạp xe ra Hà Nội 2 lần để trình kế hoạch cho Bộ Nội thương xin vải về may cờ.

Việc may cờ thông thường diễn ra ngay tại trụ sở của Công an vũ trang Vĩnh Linh đóng tại TT.Hồ Xá, nhưng có một khoảng thời gian tất cả phải sơ tán vì bom đạn. Cụ Lãng cùng đồng đội phải tìm đến nhà dân, đào một căn hầm đủ rộng để đưa máy may xuống và may cờ ngay trong hầm. Các căn hầm cũng được đào cạnh lùm tre để máy bay địch không phát hiện màu đỏ của lá cờ.

Bà Lê Thị Tố Hoài, Trưởng ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, cho biết chiếc xe đạp của cụ Lãng hiện đang được trưng bày tại di tích và là một trong những kỷ vật quý giá, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử hào hùng.

"Hiện nay, tại Nhà trưng bày vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất đang trưng bày chiếc xe đạp của cụ Nguyễn Đức Lãng. Kỷ vật này là chiếc xe chuyên dụng, cấp cho lực lượng Công an giới tuyến dùng để chở lá cờ Tổ quốc sau khi may xong từ trung tâm huyện về treo ở cột cờ Hiền Lương trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt", bà Hoài nói.