Chuyên gia đề xuất biện pháp để giảm người hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Với hơn 15 triệu người hút thuốc, Việt Nam tốn khoảng 108.000 tỷ đồng mỗi năm cho chi phí y tế và tử vong sớm liên quan thuốc lá. Theo chuyên gia, tăng thuế thuốc lá là giải pháp hiệu quả, kinh tế để giảm tiêu dùng, cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Thuốc lá là nguyên nhân của hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm
Tại buổi tập huấn do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ, cảnh báo rằng việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm ngày càng lớn tại Việt Nam. Mỗi năm, thuốc lá là nguyên nhân của hơn 100.000 ca tử vong, bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động.
Theo Hội Kinh tế y tế, chi phí y tế hàng năm liên quan đến thuốc lá lên tới 108.000 tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD), chiếm 1,14% GDP - gấp hơn 5 lần số thuế thuốc lá nộp ngân sách.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều khẳng định tăng thuế thuốc lá là biện pháp nhanh, hiệu quả và tiết kiệm nhất để giảm tiêu dùng. Khi giá bán lẻ tăng 10%, mức tiêu thụ có thể giảm 4–5%; trong nhóm thanh thiếu niên, mức giảm có thể đạt tới 10% hoặc hơn do độ nhạy cảm với giá cao.
Hiện tại, Việt Nam có hơn 40 thương hiệu thuốc lá nội địa có giá dưới 10.000 đồng/bao. Mức giá thấp khiến thuốc lá dễ tiếp cận với thanh thiếu niên, người thu nhập thấp, từ đó làm gia tăng tỷ lệ hút thuốc và các bệnh lý liên quan. Việt Nam cũng đang nằm trong nhóm các quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một số ý kiến lo ngại rằng tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm sản xuất, thất thu ngân sách và gia tăng buôn lậu. Tuy nhiên, các số liệu quốc tế và trong nước cho thấy điều ngược lại.
WB ước tính rằng khi tăng thuế thuốc lá 10%, chính phủ có thể tăng nguồn thu từ thuế thêm 7%. Tại Thái Lan, từ năm 1993 đến 2017, thuế thuốc lá được điều chỉnh tăng 11 lần, trong khi tỷ lệ hút thuốc giảm từ 32% xuống còn 19,1%. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ vẫn giữ ổn định gần 2 tỷ bao/năm, và ngân sách thu từ thuốc lá tăng gấp hơn 4 lần.
Nghiên cứu của Đại học Thương mại cho thấy, nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao vào năm 2020, tổng sản lượng kinh tế có thể tăng 486.894 triệu đồng và tạo thêm khoảng 33.831 việc làm. Điều này cho thấy người dân sẽ chuyển hướng chi tiêu vào các ngành khác, thay vì làm suy giảm toàn bộ nền kinh tế.
Lo ngại về buôn lậu cũng không có cơ sở rõ ràng nếu hệ thống quản lý được siết chặt. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy: các nước có chính sách thuế phù hợp kết hợp với kiểm soát thị trường tốt đều không gặp tình trạng buôn lậu trầm trọng dù thuế thuốc lá cao.
Từ năm 2006 đến nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam chỉ tăng từ 55% lên 75%, tức khoảng 1,1% mỗi năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 4-5%/năm. Năm 2022, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam chỉ đạt 36%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 59% của các nước có thu nhập trung bình và cách xa khuyến nghị 75% của WHO.
Hành vi hút thuốc hiện nay sẽ gây ra hậu quả nặng nề trong 10-20 năm tới
Theo các chuyên gia, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và mạnh mẽ, hành vi hút thuốc hiện nay sẽ gây ra hậu quả nặng nề trong 10-20 năm tới khi các bệnh lý mạn tính và ung thư do thuốc lá bắt đầu bùng phát, tạo thêm áp lực lớn lên hệ thống y tế và nền kinh tế.
Bà Phan Thị Hải cho rằng mức thuế cao được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội và con người. Để hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, WHO và Bộ Y tế đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối với mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026, tăng lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030, song song với thuế tỷ lệ hiện hành (75%).
Nếu thực hiện đúng lộ trình, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ có thể tăng lên 65,3% vào năm 2030 – tiệm cận khuyến nghị WHO. Cùng với đó, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới sẽ giảm xuống dưới 36%, ở nữ giới dưới 1% - đạt mục đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá đặt ra vào năm 2030, vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa tăng thu ngân sách để đầu tư cho các ưu tiên phát triển khác.