Nhảy đến nội dung
 

Chuyên gia: Chuyển đổi xanh là giấy thông hành, giúp hút vốn giá rẻ

(Dân trí) - Chuyển đổi xanh trở thành “giấy thông hành” để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuyên gia đề xuất cần có chiến lược toàn diện để biến chuyển đổi xanh thành động lực phát triển bền vững.

Chuyển đổi xanh đã và đang trở thành xu thế toàn cầu, và Việt Nam cũng đang đứng trước ngưỡng cửa của làn sóng “xanh hóa” nền kinh tế. 

Doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi xanh ra sao?

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, TS Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HanoiSME), cho rằng chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Tại Việt Nam, làn sóng chuyển đổi xanh bắt đầu lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh, phần lớn doanh nghiệp mới chỉ tiếp cận chuyển đổi xanh ở mức độ thụ động, mang tính đối phó khi bị yêu cầu từ đối tác hoặc thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa ngành, công ty FDI hoặc doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử… đã bắt đầu đầu tư vào năng lượng tái tạo, quản lý phát thải carbon, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, xây dựng báo cáo ESG.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp còn thiếu nguồn lực, thông tin và cơ chế hỗ trợ phù hợp để triển khai một cách bài bản.

Chuỗi tọa đàm trực tuyến “Talk GreenBiz - La bàn tăng trưởng xanh” do báo Dân trí phối hợp Quỹ Vì tương lai xanh (thuộc Tập đoàn Vingroup) tổ chức thực hiện.

Mục tiêu của chuỗi nhằm góp phần thúc đẩy các hành trình xanh trong cuộc sống hàng ngày, nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi mỗi cá nhân hành động ngay hôm nay để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

Theo ông, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam cho chuyển đổi xanh có sự phân hóa khá rõ rệt. Các doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính mạnh, đội ngũ chuyên gia bài bản và định hướng phát triển bền vững từ sớm thường chủ động triển khai chuyển đổi xanh. Đây là nhóm có khả năng tiếp cận vốn xanh, áp dụng công nghệ sạch, xây dựng chiến lược phát triển ESG và tham gia các chương trình thương mại bền vững quốc tế.

Ngược lại, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa - chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước - đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu nhân lực chuyên môn và thiếu thông tin hỗ trợ kỹ thuật. "Đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất phục vụ thị trường nội địa, động lực chuyển đổi càng yếu do chưa có sức ép đủ lớn từ khách hàng và chính sách", ông nói thêm.

Dù vậy, ông Quốc Anh cũng ghi nhận một số doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc do phụ nữ làm chủ đã nhanh nhạy tiếp cận xu hướng mới. Họ chủ động áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng, tái chế nguyên liệu và hướng tới các thị trường tiêu dùng xanh tại châu Âu, Nhật Bản. "Đây là những ví dụ điển hình cho thấy tiềm năng lớn của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu được tiếp cận chính sách và hỗ trợ phù hợp", ông chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, nhận định, quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, khi chuyển đổi xanh chưa trở thành một chuẩn mực phổ biến trong hành vi của phần lớn doanh nghiệp.

Ông dẫn chứng một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt là khối FDI và các công ty niêm yết như Vinamilk, TH, Masan, PNJ… đã tiên phong trong việc áp dụng tiêu chuẩn ESG, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước và xử lý rác thải theo mô hình tuần hoàn.

Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Hiện có tới 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và xây dựng, vẫn chưa tiếp cận được các hoạt động chuyển đổi xanh. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc thiếu vốn, thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu thông tin và đặc biệt là chưa cảm nhận được áp lực thực sự từ thị trường.

Ông Huy cũng chỉ ra nhiều bài học từ quốc tế. Tại châu Âu, chuyển đổi xanh đã trở thành yếu tố cạnh tranh sống còn. Từ năm 2026, EU sẽ áp dụng bắt buộc cơ chế thuế carbon biên giới (CBAM) và các yêu cầu công bố ESG. Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ thông qua các quỹ chuyển đổi công bằng và hệ thống ngân hàng đầu tư xanh.

Trung Quốc đang vận hành hệ thống hạn ngạch carbon (ETS) với các chính sách xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi phát thải vượt giới hạn, song song với việc trợ cấp lớn cho năng lượng tái tạo và pin sạch. Hàn Quốc thì chọn cách khuyến khích các tập đoàn lớn công bố báo cáo ESG, đồng thời Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí chuyển đổi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại Việt Nam, các bộ, ngành cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã có đề xuất cơ chế ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư công nghệ xanh, năng lượng tái tạo; xem xét miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với thiết bị công nghệ xanh, sản phẩm thân thiện môi trường. Bộ này cũng khuyến khích phát triển trái phiếu xanh, giúp doanh nghiệp huy động vốn cho các dự án bền vững.

Bộ Công Thương thì xây dựng Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2050. Đơn vị này đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu…

Ngân hàng Nhà nước xây dựng Khung phân loại tín dụng xanh (Green taxonomy), đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại phát triển sản phẩm tín dụng xanh, ưu tiên cho dự án thân thiện với môi trường…

Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là điều kiện để phát triển cho doanh nghiệp

Ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh rằng chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế, mà thực sự là "giấy thông hành" để doanh nghiệp Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu. "Trong bối cảnh các thị trường phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về môi trường, doanh nghiệp nếu không đáp ứng được các quy định về phát thải sẽ bị loại khỏi cuộc chơi hoặc phải chịu chi phí rất lớn", ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Việc tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, đặc biệt từ các tổ chức tài chính như IFC, ADB hay WB, cũng ngày càng gắn chặt với tiêu chí “xanh hóa”. Chính vì vậy, những doanh nghiệp tiên phong có thể tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi, quỹ khí hậu, quỹ đổi mới sáng tạo…

Không chỉ vậy, chuyển đổi xanh còn là cách để doanh nghiệp tối ưu chi phí sản xuất về dài hạn thông qua sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm chất thải và áp dụng công nghệ mới... Trong bối cảnh người tiêu dùng - đặc biệt là thế hệ trẻ - ngày càng ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp theo đuổi chiến lược xanh có nhiều lợi thế trong xây dựng niềm tin, củng cố uy tín và tạo dựng vị thế bền vững trên thị trường.

Để thúc đẩy chuyển đổi xanh trở thành động lực phát triển mới của doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Nguyễn Quang Huy đề xuất một chiến lược tổng thể với 6 trụ cột quan trọng. 

Thứ nhất là thể chế hóa và pháp lý hóa các mục tiêu xanh. Việt Nam cần ban hành Luật Kinh tế xanh, đồng thời sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường theo hướng kinh tế hóa tài nguyên và carbon.

Cùng với đó là việc xây dựng bộ chỉ số xanh quốc gia cho từng ngành, bao gồm cường độ phát thải CO2, tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch hay điểm ESG, đồng thời từng bước áp dụng thuế carbon và tín chỉ carbon nội địa, tích hợp các công cụ này vào chiến lược thuế và ngân sách quốc gia giai đoạn 2025-2030.

Trụ cột thứ 2 là phát triển tài chính và tín dụng xanh. Cần đẩy mạnh thị trường trái phiếu xanh, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện và các quỹ đầu tư theo chuẩn ESG. Các ngân hàng thương mại nên thiết lập hạn mức tín dụng xanh riêng, áp dụng lãi suất ưu đãi cho các dự án thân thiện môi trường và tích hợp yếu tố xanh trong định giá tài sản. Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm ESG cho thị trường trong nước.

Thứ 3 là nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực xanh. Theo ông Huy, Việt Nam cần đào tạo ít nhất 30.000 chuyên gia ESG và chuyển đổi xanh từ nay đến năm 2030. Các trường đại học, cao đẳng cần mở rộng đào tạo các ngành có liên quan như công nghệ năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kỹ thuật môi trường, quản trị ESG. Trong tương lai gần, Nhà nước cần quy hoạch một mạng lưới giáo dục xanh toàn quốc, đặt mục tiêu mỗi trường đại học đều giảng dạy ít nhất một môn liên quan đến chuyển đổi xanh, ESG hoặc kinh tế tuần hoàn.

Trụ cột thứ 4 là truyền thông và thay đổi nhận thức xã hội. Ông Huy cho rằng, chuyển đổi xanh sẽ không thể thực sự diễn ra nếu cộng đồng không thay đổi tư duy và lối sống. Việt Nam cần xây dựng một chiến lược truyền thông quốc gia dài hạn về sản xuất, tiêu dùng và lối sống xanh. Một bộ nhận diện quốc gia như “Việt Nam Xanh 2030” với thông điệp mạnh mẽ “Xanh để sống, để vươn xa” cần được triển khai trên diện rộng.

Trụ cột thứ 5 là xanh hóa chuỗi cung ứng và ngành hàng chủ lực. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thực hiện kiểm toán carbon và công bố minh bạch các chỉ số ESG. Trong các ngành như dệt may, da giày, nông nghiệp và điện tử, việc xây dựng các liên minh ngành xanh sẽ là giải pháp hữu hiệu để chia sẻ chi phí và kinh nghiệm. Đồng thời, tiêu chí xanh cần được đưa vào các quy trình đấu thầu, phân bổ vốn đầu tư công và cấp phép cho các dự án FDI mới.

Cuối cùng là hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm toàn cầu. Việt Nam cần tận dụng hiệu quả các nguồn tài trợ lớn từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên minh châu Âu (EU), JICA hay UNDP cho các chương trình chuyển đổi năng lượng, phát triển công nghệ sạch và kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, việc tham gia sâu vào các sáng kiến như ASEAN Green Recovery, EU Green Deal hay cơ chế thuế biên giới carbon của EU sẽ không chỉ tạo ra áp lực cải cách trong nước, mà còn mở ra nhiều cơ hội hội nhập và phát triển bền vững.

Từ các phân tích trên, ông Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh rằng chuyển đổi xanh cần được xác lập là trục phát triển cốt lõi trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. 

Ông đề xuất thành lập một Ủy ban quốc gia về chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn, với sự tham gia của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, giới học thuật và tổ chức xã hội dân sự.

Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược mang tính biểu tượng như “Xanh hóa Việt Nam - Xanh hóa Thế giới”, đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành trung tâm chế biến thực phẩm, nông sản và sản phẩm điện tử xanh của khu vực ASEAN.

“Chúng ta không còn nhiều thời gian để chờ đợi. Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà là điều kiện để Việt Nam hội nhập sâu hơn, phát triển bền vững hơn và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon”, ông Huy nhấn mạnh.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn