Chuyển crypto về Việt Nam lưu trữ, giao dịch: Chưa phù hợp, khó khả thi

Việc yêu cầu nhà đầu tư tiền mã hóa (crypto) mở tài khoản và chuyển crypto về Việt Nam để lưu giữ, giao dịch tại các tổ chức được cấp phép... là đang "đánh đồng" crypto với chứng khoán.
Như thế sẽ rất khó thực thi do tính ẩn danh và công nghệ của blockchain rất phức tạp.
Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo sửa đổi các nghị định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có quy định mới về crypto, vừa được Bộ Tài chính công bố.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc áp dụng các chế tài, với mức phạt cao nhất lên tới... 2 tỉ đồng, khi chưa hoàn thiện khung pháp lý sẽ làm giảm tính khả thi và sức thuyết phục các quy định đề xuất.
Khó khả thi, gây hoang mang cho nhà đầu tư?
Lên tiếng trên diễn đàn về tiền số với gần 50.000 thành viên, admin của diễn đàn này bày tỏ "ngạc nhiên" khi cho rằng lần đầu tiên trong một dự thảo nghị định do Bộ Tài chính đề xuất, crypto được nhắc đến rõ ràng - nhưng không phải để công nhận hợp pháp, mà là để... xử phạt!
"Chưa có định nghĩa pháp lý, cơ chế thuế, bảo hiểm và khung xử lý tranh chấp nếu tài sản bị hack hoặc mất cắp. Vậy tại sao lại yêu cầu người dân chuyển giao quyền kiểm soát tài sản về các tổ chức tập trung - khi chưa có bảo đảm nào cho sự an toàn?", admin này đặt câu hỏi. Bài viết ngay sau đó nhận được rất nhiều lượt tương tác, đa số tỏ ra hoang mang.
Nhiều phản ứng trái chiều của nhà đầu tư về dự thảo của Bộ Tài chính. Chẳng hạn, với hành vi thao túng thị trường này, anh Lê Minh (TP.HCM) cho rằng cần định nghĩa thế nào là thao túng giá, vì các dự án crypto khi đưa lên sàn giao dịch phải làm MM (Market Maker) để tạo thanh khoản cho dự án trên thị trường.
"Hơn nữa, các dự án có nhà đầu tư tham gia làm marketing, thuê các KOL để tiếp thị đẩy giá, có bị gọi là thao túng giá không?", anh đặt câu hỏi và cho rằng việc chuyển crypto về các sàn đã cấp phép trong nước là đi ngược với tính phi tập trung của công nghệ blockchain.
Bên cạnh đó, không phải cứ tạo ra ví là có thể chứa crypto được mà nó đòi hỏi tính bảo mật rất cao. "Với ví thì có ví nóng (online) và ví lạnh (offline), là dữ liệu riêng của cá nhân nên không thể bắt nhà đầu tư chuyển về sàn trong nước được. Đây là tài sản riêng của nhà đầu tư thuộc sở hữu cá nhân", anh Minh nói.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng các quy định như trong dự thảo có thể dẫn đến tình trạng các công ty tại Việt Nam sẽ chuyển sang Singapore hay Dubai, Hong Kong... Do vậy, có thể tham khảo theo các mô hình quản lý crypto của Singapore hoặc Dubai...
"Nhiều quy định tại dự thảo có thể khiến thị trường crypto Việt Nam vốn "sinh sau đẻ muộn" kém linh hoạt và giảm cạnh tranh so với các nước khác", ông Đinh Lân, một nhà đầu tư crypto, nói.
Theo ông Lân, việc bắt buộc phải chuyển crypto về Việt Nam là không phù hợp với bản chất phi tập trung và xuyên biên giới của thị trường crypto, nhất là trong bối cảnh các giải pháp công nghệ, kỹ thuật hiện có của Việt Nam chưa đủ khả năng để kiểm soát vấn đề này.
"Đặc biệt, các mức xử phạt đề xuất lên tới hàng tỉ đồng đối với cá nhân là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân", ông Lân nói.
Cần xây dựng sân chơi lành mạnh, cơ chế quản lý hiệu quả
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Phương Nam, phó khoa luật thương mại Đại học Luật TP.HCM, cho biết nhiều báo cáo từ các tổ chức quốc tế đều chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ sở hữu crypto cao nhất thế giới. Sức nóng từ thị trường này rất lớn và các quy định liên quan đến crypto có tác động đến một bộ phận không nhỏ người dân.
"Đáng lẽ nên ban hành đồng thời quy chế thử nghiệm giao dịch crypto và cơ chế xử phạt. Trong đó, phải giải thích rõ crypto bao gồm những cái gì, cách giao dịch được thực hiện ở nơi nào, quy chế ra sao, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thế nào...", ông Nam nói và cho rằng việc áp dụng các chế tài khi chưa hoàn thiện khung pháp lý sẽ làm giảm tính khả thi và sức thuyết phục các quy định đề xuất.
Theo ông Nam, một khung quản lý hoàn thiện cho thị trường này là rất cần thiết. Tuy nhiên, Việt Nam mới đặt ra cơ chế thử nghiệm, tức là còn có những thay đổi. Do vậy, việc yêu cầu nhà đầu tư đưa về quản lý ở Việt Nam để kiểm soát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là tốt nhưng cần xem xét lại thời điểm, không nên vội vàng.
"Thay vì xử phạt, khi thử nghiệm giai đoạn đầu hoặc đưa vào chính thức, hãy để các sàn chứng minh năng lực, thể hiện hiệu quả, bảo mật cao, một môi trường pháp lý an toàn, nhà đầu tư sẽ tự chuyển về", ông Nam nói.
Ông Đặng Trần Phục, chủ tịch HĐQT Công ty CP AzFin Việt Nam, cũng cho rằng nếu không có cơ chế tối ưu để phát triển thị trường này, sẽ rất khó để hút lượng crypto rất lớn của người Việt đang sở hữu trở về.
"Cần có cơ chế hấp dẫn để kéo nhà đầu tư về Việt Nam bằng cách xây dựng sân chơi lành mạnh, cơ chế quản lý hiệu quả", ông Phục nói.
Theo ông Phục, những nhà đầu tư cầm giữ lượng crypto quy mô nhỏ có thể sẽ sớm chuyển về Việt Nam. Nhưng với người có quy mô tài sản lớn, việc chuyển về hay không sẽ cần thời gian để đánh giá, nghe ngóng xem các sàn trong nước có đảm bảo an toàn, bảo mật, sự thuận tiện trong giao dịch không.
"Thị trường crypto vốn vận hành trên nền tảng blockchain, có tính chất phi tập trung, không biên giới và không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức hay quốc gia nào. Do vậy, việc thu hút nguồn lực lớn này trở về đất nước, cần những cơ chế hết sức cạnh tranh, khó áp dụng một cách cứng nhắc", ông Phục nói.