Nhảy đến nội dung

Chuyện 4 chị em tôi khi mẹ cho anh hai thừa kế hết tài sản

Đọc các bài chia sẻ về việc phân chia của thừa kế của bố mẹ, ông bà, rồi chuyện anh em tranh giành tài sản thời gian gần đây, tôi thấy buồn cho nhiều người. Tôi xin kể câu chuyện đời tôi để các bạn tham khảo và có thêm một gợi ý để giải quyết trường hợp của mình.

Nhà tôi có bốn anh em (hai trai, hai gái). Chị cả đi lấy chồng từ sớm, gia đình chỉ còn lại bố, mẹ và ba anh em tôi. Nhà tôi cũng thuộc dạng nghèo khổ, cũng may là còn khoảng 5 ha ruộng đất để trồng trọt. Lao động chính trong nhà là bố, mẹ, và anh hai. Còn tôi và em gái út còn tuổi đi học nên cũng chẳng phụ được gì nhiều.

Năm tôi học lớp 10, bố đột ngột phát bệnh ung thư. Sau một năm chạy chữa, ruộng vườn cũng bán mất tầm 2 ha. Rồi bố tôi mất, mẹ tôi cũng ốm yếu. Anh tôi lúc đó cũng đã lấy vợ, sinh con và ở chung. Sau khi bố mất, mẹ họp bàn cả gia đình để phân chia tài sản. Mẹ nói với vợ chồng anh chị: "Giờ mẹ già yếu, các con gắng làm ăn, lo cho hai đứa em ăn học nên người, đất đai sau này sẽ thuộc về vợ chồng con hết".

Từ đó, tôi và em đã định sẵn trong lòng rằng mình phải tự cố gắng học hành và tìm cách thoát ly để lo cho bản thân. Anh chị tôi giữ đúng lời hứa, lo cho chúng tôi tiền ăn, tiền học. Dù lúc thiếu, lúc đủ, nhưng ít nhất cũng giúp chúng tôi có bước đệm để vào đời.

>> Tôi con thứ nên chỉ được chia thừa kế 6 m đất

Từ năm hai đại học trở đi, tôi cũng tự làm thêm, kiếm tiền để trang trải học phí và ăn uống, nên hầu như anh chị không cần chu cấp nữa. Em tôi học Cao đẳng Sư phạm ở tỉnh, cũng được nhiều đãi ngộ và gần nhà nên chi phí cũng không đáng là bao. Mẹ tôi sau đó cũng chỉ phụ giúp anh chị ít nhiều chứ không còn là lao động chính trong nhà nữa. Mẹ sống cùng vợ chồng anh chị, phụ trông cháu, và lo cơm nước. Tôi cũng chỉ về thăm nhà mỗi năm được một, hai lần.

Thời gian qua đi, tôi và em út cũng tốt nghiệp. Tôi ở lại Sài Gòn để tìm cách mưu sinh và lập nghiệp. Trong khi đó, em gái tôi về quê đi dạy học. Đến nay, đã 19 năm trôi qua kể từ ngày tôi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học, cũng bôn ba ở trọ khắp Sài Gòn, làm hết việc này đến việc khác, lăn lộn qua công ty này đến công ty kia. Cho tới 10 năm trước, tôi tự mở được công ty của riêng mình. Giờ tôi đã tự mua được hai nhà, mua được xe hơi, nuôi được vợ con mình đầy đủ trên mảnh đất Sài thành.

Em gái tôi cũng lập gia đình ở quê, có nhà riêng, thu nhập từ dạy học không quá cao nhưng cũng đủ để em chi tiêu dư dả. Trước kia, em còn dạy thêm Tiếng Anh để mở rộng thu nhập. Đất đai từ bố mẹ để lại, hai anh em tôi mặc nhiên không tranh giành với vợ chồng anh hai. Dù tất cả cũng chỉ là một lời nói miệng của mẹ, chứ chẳng có giấy tờ thỏa thuận gì, nhưng mọi thứ trong nhà tôi tới nay vẫn ổn thỏa, anh em thuận hòa.

Bây giờ, bốn anh em chúng tôi đều có gia đình riêng, của cải thì đứa có nhiều, đứa có ít, nhưng nhìn chung đều nhà cửa ổn định và cuộc sống yên ổn. Các anh chị em ở quê, còn tôi sống ở thành phố. Mẹ tôi vẫn sống với vợ chồng anh hai, thỉnh thoảng lên chơi với tôi vài tuần. Hoặc khi mẹ ốm đau nặng, phải lên Sài Gòn chữa bệnh, tôi cũng nhận nhiệm vụ lo toan đầy đủ.

Cuộc sống của đại gia đình chúng tôi là vậy đấy, không ồn ào, không tranh chấp, cứ âm thầm tương trợ lẫn nhau để cùng đi lên. Chỉ có bố mẹ mới là người hiểu rõ các con mình nhất. Nên tôi cho rằng, việc họ để lại tài sản thừa kế cho ai cũng đều là quyền quyết định của riêng mỗi người. Đúng hay sai cũng không nằm ở sự phán xét của người ngoài.

Cũng không phải do tôi có cuộc sống đầy đủ nên mới không dòm ngó gia sản thừa kế. Ngay từ lúc mới tốt nghiệp, tôi cũng thất nghiệp, nghèo khổ, đi ở trọ hết quận này đến quận khác, nhưng tôi cũng chưa một lần có ý nghĩ về giành tài sản ở quê. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng trong một gia đình, các anh chị lớn thường rất thiệt thòi (không được cưng chiều, phải gánh vác thay cha mẹ nuôi các em...). Anh tôi phải nghỉ học sớm để giúp bố mẹ kiếm ăn, lo cho tôi được học hành tới nơi tới chốn, vậy nên cha mẹ cho anh thừa kế toàn bộ tài sản cũng chẳng có gì sai.

Vấn đề quan trọng nhất là cha mẹ tôi đã luôn rõ ràng quan điểm, giảng giải cụ thể để anh chị em tôi hiểu và đồng lòng. Thế nên, tôi tin, những đứa con được giáo dục đàng hoàng sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đòi công bằng khi cha mẹ chia thừa kế.

Giang Trần