Nhảy đến nội dung
 

Tổ chức đứng sau bê bối 'hiến tạng khi tim còn đập' chấn động Mỹ

Cuộc điều tra của liên bang gần đây đã làm dấy lên lo ngại về quy trình hiến tạng tại Kentucky. Giới chức phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc lấy nội tạng khi tim người hiến vẫn còn đập. Những phát hiện này đã làm dấy lên tranh cãi về tổ chức đứng sau hoạt động điều phối hiến tạng tại bang: Network for Hope, tiền thân là Kentucky Organ Donor Affiliates. Nhiều người đặt câu hỏi về cách thức tổ chức vận hành và vượt qua các giới hạn đạo đức.

Tổ chức điều phối hiến tạng lớn nhất Kentucky

Kentucky Organ Donor Affiliates (KODA), hiện đổi tên thành Network for Hope sau khi sáp nhập, là tổ chức phi lợi nhuận được giao điều phối hoạt động hiến tạng tại bang Kentucky. Thành lập từ năm 1987, KODA đóng vai trò trung gian giữa bệnh viện và hệ thống nhận nội tạng quốc gia. Tổ chức bố trí nhân viên thường trực tại các bệnh viện, phụ trách đánh giá tình trạng bệnh nhân, vận động hiến tặng và điều phối toàn bộ quá trình lấy tạng.

Trong hệ thống hiến tạng của Mỹ, phần lớn người hiến đã chết não. Tuy nhiên, một hiện tượng ngày càng phổ biến hiện nay là hiến tạng sau khi chết tuần hoàn. Theo đó, bệnh nhân vẫn còn một số hoạt động não nhưng được xác định là không thể hồi phục, đang được duy trì sự sống bằng máy.

Nếu gia đình đồng ý hiến tặng, bệnh nhân sẽ được đưa vào phòng mổ, rút máy hỗ trợ và chờ tử vong tự nhiên. Nội tạng chỉ được lấy nếu bệnh nhân qua đời trong vòng một đến hai giờ sau khi rút máy hỗ trợ. Các bác sĩ phải chờ thêm 5 phút để xác nhận tình trạng tử vong tuyệt đối.

Hối thúc "an tử" bệnh nhân để phẫu thuật lấy tạng

Cuộc điều tra của Cơ quan Quản lý Tài nguyên và Dịch vụ Y tế (HRSA) cho thấy tổ chức Network for Hope đã nhiều lần vi phạm các nguyên tắc cơ bản của quy trình này. Trong 4 năm, HRSA xem xét 350 ca hiến tạng bị hủy bỏ ở Kentucky và phát hiện 73 trường hợp lẽ ra việc lên kế hoạch lấy tạng cần phải dừng sớm hơn, do bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục hoặc nhận thức cao. Dù không thực hiện lấy tạng, nhiều bệnh nhân đã biểu hiện đau đớn trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật. Hầu hết bệnh nhân cuối cùng đã tử vong, vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Tuy nhiên, một số người thậm chí hồi phục và xuất viện.

Qua điều tra, HRSA phát hiện nhân viên của KODA thường xuyên gây sức ép với gia đình bệnh nhân để đẩy nhanh quá trình hiến tạng. Họ cũng giành quyền điều phối bệnh nhân từ bác sĩ điều trị, hối thúc nhân viên bệnh viện ngắt máy hỗ trợ sự sống, kể cả khi bệnh nhân có dấu hiệu nhận thức rõ ràng hơn. Một số nhân viên cũng không đánh giá được tình trạng thực sự của bệnh nhân do tác động của thuốc an thần hoặc chất gây nghiện, khiến họ tưởng rằng bệnh nhân đã rơi vào tình trạng không hồi phục.

Điển hình là trường hợp Anthony Thomas Hoover II, một người đàn ông ở Kentucky dùng thuốc quá liều vào năm 2021. Theo loạt điều tra của tờ New York Times, sau hai ngày bất tỉnh, gia đình ông đồng ý hiến tạng. Tuy nhiên, hồ sơ ghi nhận tình trạng thần kinh của ông đã cải thiện. Trong một lần khám, ông vật lộn trên giường và được tiêm thuốc an thần để giữ yên. Nhân viên bệnh viện tỏ ra lo lắng, nhiều người nói rằng hành động này giống như "thực hiện an tử". Một điều phối viên tổ chức hiến tạng trấn an rằng điều đó không đúng. Khi Hoover được đưa đi cấp cứu, ông vẫn khóc, co chân và lắc đầu. Cuối cùng, một bác sĩ từ chối ngắt máy và ông đã sống sót, dù bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn.

Trường hợp khác xảy ra vào tháng 12/2022, một người đàn ông 50 tuổi bị sốc thuốc bắt đầu cựa quậy và nhìn quanh chưa đầy một giờ sau khi được ngắt máy hỗ trợ. Tuy nhiên, nhóm phẫu thuật không dừng lại ngay và bệnh nhân không được giải thích gì. Khi nội tạng không còn đủ điều kiện để hiến, ca ghép mới bị hủy. Ba ngày sau, bệnh nhân qua đời sau khi đã trò chuyện với gia đình.

Các cựu nhân viên của tổ chức xác nhận với báo chí, cấp trên từng gây áp lực với bác sĩ để tiếp tục quá trình lấy tạng.

"Nếu không có vị bác sĩ đó, chúng tôi chắc chắn 1.000% đã tiến hành", Natasha Miller, một nhân viên có mặt trong phòng, khẳng định. Ba người khác cho biết họ từng chứng kiến những tình huống tương tự.

Hồ sơ điều tra cũng ghi nhận trường hợp nhân viên của tổ chức cảm thấy "khó chịu cực độ" trước các phản ứng thần kinh của bệnh nhân. Trong nhiều trường hợp, phản xạ rõ ràng của bệnh nhân khiến đội ngũ y tế bối rối nhưng vẫn tiếp tục tiến hành các bước chuẩn bị cho lấy nội tạng.

Cuộc điều tra chỉ rõ 103 trường hợp có dấu hiệu đáng ngờ và cho biết các sai sót thường xảy ra nhiều hơn ở các bệnh viện vùng nông thôn. Hơn một nửa số ca ghép của Network for Hope là từ bệnh nhân chết tuần hoàn, cao hơn mức trung bình toàn quốc.

Quốc hội siết giám sát, Network for Hope buộc cải tổ

Đáp lại những phát hiện trên, Network for Hope khẳng định đã tuân thủ đúng quy trình và chỉ bắt đầu lấy nội tạng sau khi bệnh viện xác nhận bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho biết sẽ thực hiện đầy đủ các yêu cầu mới từ giới chức liên bang.

Ngày 22/7, trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ, lãnh đạo HRSA kêu gọi cần có sự minh bạch và cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Chủ tịch Ủy ban Brett Guthrie nhấn mạnh: "Đây là một mô hình gây rủi ro cho bệnh nhân".

Network for Hope được yêu cầu thực hiện ba thay đổi chính trong hoạt động: tiến hành đánh giá thần kinh của người hiến tiềm năng ít nhất mỗi 12 giờ, đào tạo lại toàn bộ nhân viên liên quan đến quy trình hiến tạng, đảm bảo bất kỳ cá nhân nào trong quy trình cũng có quyền yêu cầu tạm dừng nếu phát hiện dấu hiệu bất thường ở bệnh nhân.

Trước áp lực từ dư luận, Quốc hội và giới chuyên môn, vụ bê bối hiến tạng của Kentucky đặt ra câu hỏi lớn về đạo đức, quy trình và sự minh bạch trong hệ thống ghép tạng của Mỹ.

Thục Linh (Theo People, Guardian, Advisory, AP)

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn