Chưa đồng tình chánh án, viện trưởng không phải trả lời chất vấn của Hội đồng nhân dân

Nhiều đại biểu không đồng tình đề xuất chánh án TAND, viện trưởng Viện KSND không phải trả lời chất vấn đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), đề nghị giữ nguyên quy định như Hiến pháp hiện nay.
Chiều 7.5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 vừa được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội vào sáng cùng ngày.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang), Phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bày tỏ không đồng tình với đề xuất không quy định chánh án TAND, viện trưởng viện KSND là đối tượng phải trả lời chất vấn đại biểu HĐND tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 được trình Quốc hội.
Theo bà Thu Xương, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp có giải thích là sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức TAND, Viện KSND cấp huyện mà thay thế bằng các TAND và viện KSND khu vực không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.
"Tôi cho rằng TAND khu vực này sẽ trực thuộc TAND, viện KSND cấp tỉnh và không có HĐND cấp trực tiếp thì HĐND cấp tỉnh sẽ thực hiện chất vấn chánh án và viện trưởng. Nhiệm vụ trả lời ở tòa án và viện kiểm sát khu vực vẫn của chánh án, viện trưởng cấp tỉnh. Do đó, tôi mong giữ lại như quy định của Hiến pháp 2013 hiện hành. Đây cũng là một quyền giám sát của đại biểu tại kỳ họp", bà Thu Xương nêu.
Tương tự, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt đặt câu hỏi: Đại biểu HĐND không được chất vấn viện trưởng Viện KSND, chánh án TAND thì ai sẽ thực hiện quyền này tại địa phương?
Bà Nguyệt phân tích, quyền chất vấn là quyền giám sát cơ bản của đại biểu HĐND. Do đó, bà đề nghị giữ nguyên đối tượng phải trả lời chất vấn đại biểu HĐND như Hiến pháp hiện hành, bao gồm viện trưởng Viện KSND và chánh án TAND ở địa phương.
Tập trung chất vấn vào UBND
Tại tờ trình sửa đổi Hiến pháp báo cáo Quốc hội sáng 7.5, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lý giải, sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức TAND, viện KSND cấp huyện mà thay thế bằng các TAND và viện KSND khu vực không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.
Do đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị sửa đổi, không quy định chánh án TAND, viện trưởng viện KSND không phải đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND để phù hợp với tính chất và mô hình tổ chức các cơ quan nhà nước ở địa phương sau khi thực hiện sắp xếp.
Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ tập trung vào UBND (chủ tịch UBND dân, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên thực tế.
Tuy nhiên, ông Định cũng phản ánh, vẫn có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế này và điều chỉnh theo hướng quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn chánh án TAND, viện trưởng viện KSND cấp tỉnh và cấp khu vực.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, tuy không quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với chánh án TAND và viện trưởng viện KSND song HĐND vẫn thực hiện thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, trong đó bao gồm giám sát hoạt động của TAND, Viện KSND và các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn.
Đại biểu HĐND vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương (trong đó có TAND, viện KSND ở địa phương). Do đó, vẫn bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở địa phương.