Nhảy đến nội dung
 

Chủ tịch Quốc hội: 'Lo lắng hiện nay là nợ xấu tăng cao'

Chủ tịch Quốc hội nói lo lắng hiện nay là nợ xấu tăng cao trong giai đoạn vừa qua và đề nghị xin ý kiến cấp có thẩm quyền việc luật hóa nghị quyết thí điểm chính sách xử lý nợ xấu ngân hàng.

Sáng 24.4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng.

Xin ý kiến cấp có thẩm quyền việc luật hóa nghị quyết xử lý nợ xấu ngân hàng

Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, luật Các tổ chức tín dụng vừa được sửa đổi vào đầu năm 2024, có hiệu lực từ 1.8.2024, đến nay chưa đầy 1 năm, chính xác là 8 tháng nhưng đã tiếp tục đề nghị sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là "lỗ hổng" trong công tác xây dựng pháp luật khi cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chưa lường hết được các vấn đề đưa vào luật để tuổi thọ luật dài hơn.

"Ít nhất 3 - 5 năm sửa lại, có đâu mà Quốc hội mới ban hành, Chính phủ mới hướng dẫn đây thì chúng ta lại sửa. Tôi nói vấn đề này cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong xây dựng pháp luật của chúng ta", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng băn khoăn, lo lắng hiện nay là nợ xấu tăng cao trong giai đoạn vừa qua. Ông dẫn chứng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,03% năm 2022 lên 4,55% năm 2023, đến tháng 7.2024 là 4,75%, đến 1.2025 là 4,3%.

"Tôi đề nghị xác định phạm vi chính sách để áp dụng khoản nợ vay đúng quy định, tránh dẫn đến tổ chức tín dụng nới lỏng điều kiện cho vay", Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải quản lý chặt nợ xấu vì nợ xấu nhiều thì dẫn tới thanh khoản ngân hàng không đảm bảo.

Dự thảo luật của Chính phủ đề xuất luật hóa 3 chính sách thí điểm tại Nghị quyết 42 năm 2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cùng đó, Chính phủ cũng đề nghị chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt có lãi suất 0%, không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng sang Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội nói thống nhất luật hóa các chính sách thí điểm tại Nghị quyết 42 của Quốc hội chứ không ban hành nghị quyết để tiếp tục thí điểm. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ xin ý kiến cấp có thẩm quyền đối với việc luật hóa 3 chính sách của Nghị quyết 42 vào dự án luật lần này.

Cùng đó, theo Chủ tịch Quốc hội, cần nhận diện và có phương án khắc phục các hạn chế khi thực hiện Nghị quyết 42 để đưa vào luật sửa đổi lần này cho toàn diện hơn. Đồng thời, phải rà soát các luật liên quan tới tòa án, viện kiểm sát liên quan việc thu giữ tài sản đảm bảo.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0%

Với việc chuyển thẩm quyền cho vay đặc biệt có lãi suất 0%, không có tài sản bảo đảm, Chủ tịch Quốc hội đồng tình và cho rằng, nếu quyền của Thủ tướng, Thủ tướng ủy quyền cho Thống đốc thì việc xử lý vấn đề sẽ nhanh hơn vì hiện nay các vấn đề xử lý lâu là do thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề quy định chuyển tiếp cho các khoản vay đặc biệt có lãi suất được Ngân hàng Nhà nước quyết định trước khi luật có hiệu lực cũng cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Báo cáo thêm tại phiên họp, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt, lãi suất 0% trước đây luật quy định là quyền của Thủ tướng. Tuy nhiên, vừa qua xử lý một số ngân hàng yếu kém thì Chính phủ thấy việc phân cấp cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là cần thiết vì để thẩm quyền của Thủ tướng thì phải xin ý kiến qua nhiều cấp, ngành.

"Nếu thực hiện phân cấp cho Ngân hàng Nhà nước thì thông suốt, kịp thời, giảm thủ tục hành chính", ông Phớc nói.

Với việc luật hóa 3 chính sách tại Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ông Phớc cho biết, khi sửa luật Các tổ chức tín dụng thì Chính phủ đã đề xuất đưa các chính sách tại Nghị quyết 42 vào luật. Tuy nhiên, thời điểm đó, Nghị quyết 42 chưa hết hiệu lực nên quyết định để thí điểm hết hiệu lực rồi mới tổng kết đưa vào.

Ông Phớc đánh giá các chính sách tại Nghị quyết 42 là sát, đúng thực tiễn và thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đã được kéo dài 2 lần. Do đó, việc luật hóa các chính sách tại nghị quyết này sẽ thực hiện công bằng hơn và chặt chẽ về pháp luật.

"Triển khai thì Chính phủ có nghị định hướng dẫn đảm bảo thực hiện hợp lý, đảm bảo được ổn định tình hình, công khai, minh bạch", ông Phớc cam kết.