Chủ tịch nước: Vesak 2025 lan tỏa những giá trị cao đẹp của đạo Phật

Thông điệp được Chủ tịch nước Lương Cường đưa ra tại lễ khai mạc đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại học viện Phật giáo ở huyện Bình Chánh, sáng 6/5. Theo người đứng đầu Nhà nước, trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần "hộ quốc an dân", đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị như: lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiếp nối truyền thống đó, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Chủ tịch nước, Phật đản là một trong ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật cùng với: Thành đạo và Nhập Niết bàn. Sự kiện đặc biệt này không chỉ có ý nghĩa đối với hàng triệu tín đồ Phật tử trên toàn thế giới, mà còn là dịp để mọi người cùng chiêm bái và lan tỏa những giá trị cao đẹp của đạo Phật: từ bi, trí tuệ và hòa bình.
Trong lần thứ 4, Vesak được tổ chức tại Việt Nam, ông tin tưởng đại lễ sẽ thành công tốt đẹp, các đại biểu từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích. Thông qua trí tuệ Phật giáo để xây dựng tương lai thế giới hòa bình, nhân ái và phát triển bền vững hơn...
Theo Chủ tịch nước, Đức Phật dạy, hòa bình thật sự đến từ nội tâm thanh tịnh, vì vậy chỉ có vun đắp hòa bình thông qua sự chuyển hóa niềm tin của từng cá nhân, từ đó dẫn đến chuyển hóa niềm tin của toàn xã hội. "Tôi đề nghị đưa Tâm Từ Bi vào chính sách, mang Trí Tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần Vô Ngã - Vị Tha - tức làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng", ông nói.
Tại lễ khai mạc, trong thông điệp Phật đản Vesak, đại lão hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết đại lễ năm nay vô cùng diễm phúc được cung thỉnh xá lợi Đức Phật Thích Ca, bảo vật quốc gia Ấn Độ và là bảo vật thiêng liêng vô giá của nhân loại, là minh chứng cho khả tính giác ngộ hoàn toàn của con người.
Đồng thời, theo ông dịp này cũng có được đầy đủ nhân duyên đảnh lễ trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức; ngọn đuốc sống năm 1963 tại miền Nam Việt Nam để lại xá lợi trái tim là bảo vật vô cùng quý giá. "Ngài là biểu tượng cho sự hy sinh cao cả, tinh thần và ý chí đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, hòa bình và thống nhất đất nước của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam", ông nói.
Lễ vesak 2025 diễn ra từ 6-8/5 có chủ đề chính Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững. Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỳ vọng Vesak 2025 sẽ khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội trong cộng đồng Phật giáo thế giới; giúp mở rộng giá trị giáo lý của Đức Phật vì hòa bình và phụng sự nhân sinh trong bối cảnh thế giới ngày nay. Ngoài ra, đại lễ cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế.
Trên thế giới hiện có khoảng 500 triệu người theo đạo Phật, tập trung nhiều ở các quốc gia Đông Á, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tùy theo quan niệm.
Năm 1950, trong đại hội Phật giáo thế giới tổ chức tại Colombo, Sri Lanka, 26 phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là 15/4 âm lịch. Đến năm 2000, đại lễ Vesak lần đầu được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ).
Tại Việt Nam, lễ Phật đản hàng năm được Giáo hội Phật giáo tổ chức. Vào ngày Phật đản, các phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa, trang trí bàn thờ Phật. Phật tử có thể đến chùa làm công quả hoặc nghe thuyết giảng để được thanh tịnh.
Đình Văn - Thanh Tùng