"Chú hổ" như thật gây xôn xao ở TPHCM, chủ nhân nói trăm triệu không bán

(Dân trí) - Một "chú hổ" lớn bỗng xuất hiện trong con hẻm ở quận Bình Thạnh (TPHCM) khiến người đi đường phải giật mình. Hình ảnh này gây sốt mạng xã hội những ngày qua.
Thót tim khi thấy "chú hổ" giữa đường
Nhiều người qua lại trong con hẻm trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) không khỏi thót tim khi nhìn thấy một "chú hổ" lớn đang nhe nanh, trừng mắt, dáng vẻ lững thững nhưng oai vệ trước một ngôi nhà.
Một người đàn ông đi ngang qua đây, chăm chú nhìn vào "chú hổ" rồi phá lên cười: "Hồi xưa người ta hay bảo "vuốt râu hùm", giờ tôi thử "vuốt râu hùm" đây!".
Chẳng ai ngăn ông chạm vào "chú hổ", bởi đây chỉ là mô hình sống động đến kinh ngạc của một họa sĩ trẻ sống trong con hẻm này.
"Nhìn từ xa mà không biết thì dễ lầm là hổ thật lắm!", bà Trần Thị Chín - người dân trong hẻm - chia sẻ.
Mô hình hổ cao hơn 1m, nặng khoảng 40-50kg, toàn thân phủ lớp lông vàng vằn đen như thật, cùng đôi mắt sắc lẹm và gương mặt gầm gừ hung dữ. Được đặt giữa con hẻm, mô hình này khiến những ai đi ngang qua đều bất ngờ, thích thú.
"Ở đây ai cũng thích, ngày nào cũng có người ra chụp hình. Trẻ con thích lắm. Tôi nghĩ ở TPHCM chưa ai làm được mô hình nào như thế này đâu", bà Chín nói.
Theo bà Chín, mô hình này có tỷ lệ và thần thái rất giống với những con hổ thật bà từng tận mắt nhìn thấy tại sở thú ở Thái Lan. "Nói thật là tôi rất ấn tượng, tay nghề người làm quá khéo", bà tấm tắc khen.
Không riêng gì bà Chín hay những người dân trong hẻm, mô hình đặc biệt này cũng đang gây sốt mạng xã hội. Nhiều người chia sẻ ảnh, video quay cảnh "vuốt râu hùm" giữa đường, khiến cộng đồng mạng không khỏi trầm trồ trước tay nghề điêu luyện của họa sĩ đứng sau tác phẩm.
Trăm triệu cũng không bán
Người tạo ra mô hình là anh Võ Đức Dự (SN 1995, quận Bình Thạnh, TPHCM) - họa sĩ chuyên tranh tường 3D, tranh phát sáng - cùng một cộng sự. Lần này, anh chọn thử thách lớn hơn khi dựng mô hình một chú hổ Bengal theo tỷ lệ như thật.
Từng chi tiết nhỏ cũng được anh chăm chút kỹ lưỡng để mô hình đạt được thần thái giống với hổ thật nhất.
"Tôi làm mô hình này như cách thử tay nghề của mình. Các công đoạn đều thủ công hết, từ tạo hình xốp, pha màu, sơn lớp da vằn, cho tới tìm lông phù hợp để gắn lên", anh Dự chia sẻ.
Anh cho biết, quá trình thực hiện bắt đầu từ khâu lên phác thảo tổng thể, trong đó quan trọng nhất là lựa chọn dáng đứng, tư thế và biểu cảm khuôn mặt sao cho toát lên được thần thái uy nghi, sống động của hổ.
Mô hình được dựng khung bằng xốp, sau đó phủ lên các lớp xi măng mỏng để định hình cơ bắp, kết cấu thân thể. Mỗi đường gân, múi cơ, bắp chân đều được anh tỉa gọt, đắp nặn thủ công bằng tay mà không sử dụng khuôn hay máy móc.
Phần quan trọng nhất là phủ lông, cũng là công đoạn tiêu tốn nhiều thời gian nhất. Anh Dự cho biết, anh phải thử nghiệm nhiều loại lông nhân tạo khác nhau, từ chất liệu, màu sắc đến độ dài, trước khi chọn được loại phù hợp.
Để mô phỏng lớp da vằn vện đặc trưng của loài hổ Bengal, anh pha màu, sơn lớp nền trước, rồi mới tiến hành vẽ các đường sọc đen bằng tay.
"Dán không đều sẽ bị lộ lớp xi măng, mà làm dày quá thì mất đi cảm giác thật. Tỉa lông cũng không thể làm đại khái được. Tôi dùng cả kéo nhỏ, lược, tông đơ y như đi cắt tóc thật để tạo độ mượt và độ chuyển giữa các vùng lông", anh chia sẻ.
Phần gương mặt vốn được xem là "linh hồn" của mô hình cũng được anh Dự đầu tư nhiều công sức nhất. Đôi mắt được anh tô vẽ bằng màu pha thủ công, tạo chiều sâu và ánh nhìn dữ dằn như đang quan sát con mồi.
Miệng hổ nhe nanh cũng được anh gọt tỉa cẩn thận, tạo độ căng của nướu, độ sắc của răng.
Để tạo nên một mô hình hổ sống động như thật, anh Dự đã dành gần một tháng làm việc cùng cộng sự và tiêu tốn khá nhiều chi phí.
Anh không tính toán tỉ mỉ về số tiền đã bỏ ra nhưng khẳng định: "Chi phí cũng phải vài chục triệu đồng, chưa kể công sức. Vì vậy, để định giá mô hình này là rất khó, nhưng cũng không thể dưới mức hàng trăm triệu đồng được".
"Cách bảo quản thì đơn giản thôi. Chỉ cần không để ngoài trời mưa gió, khi bụi thì lấy khăn lau hoặc máy hút bụi là sạch", anh Dự nói thêm.
Đêm đầu tiên đem mô hình ra khỏi nhà, anh Dự để chú hổ trong hẻm. Một vài sinh viên đi vứt rác gần đó thấy liền hét toáng, tưởng gặp phải hổ thật. Trẻ con thì sợ một lúc, nhưng khi biết là mô hình thì các em mê tít, giành nhau chụp ảnh.
"Tôi không định bán chú hổ này, vì sắp tới tôi mở xưởng vẽ mới, rộng rãi hơn. Tôi muốn trưng bày nó ở đó để khách tới còn có cái để xem, chứ bán rồi thì cũng chỉ có một người được sở hữu thôi. Vả lại, đây cũng là tác phẩm mô hình đầu tay về một con vật như thật, nên tôi cũng muốn giữ lại làm kỷ niệm", anh Dự thẳng thắn.
Dù không mang chủ đích thương mại, mô hình hổ của anh Dự vẫn thu hút nhiều đơn đặt hàng. Anh cho biết hiện chưa thể nhận hết vì còn nhiều khâu phải thương lượng.
Tuy nhiên, anh Dự tiết lộ: "Sở thú đã đặt tôi làm một con tương tự, nhưng kích thước lớn hơn, dự định cao khoảng 6m. Đó sẽ là dự án lớn nhất tôi từng làm".