Nhảy đến nội dung
 

Chống buôn lậu, hàng giả 24-5: Nhà khoa học, cán bộ y tế phải cam kết minh bạch

Các nhà khoa học và cán bộ y tế phải cam kết minh bạch trong quảng cáo sản phẩm; Công an Bắc Giang thực hiện tháng cao điểm truy quét hàng giả; Giữ hàng ngàn quần áo không rõ nguồn gốc ở Ninh Thuận là những thông tin mới về chống hàng giả hôm nay.

Cấm quảng cáo sai lệch: Nhà khoa học, cán bộ y tế phải cam kết minh bạch

Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm diễn biến phức tạp, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các sở y tế, sở an toàn thực phẩm trên cả nước tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý, đặc biệt trong hoạt động quảng cáo và hậu kiểm sản phẩm thực phẩm.

Một trong những điểm nhấn của chỉ đạo lần này là yêu cầu thành lập tổ công tác rà soát, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo sản phẩm thực phẩm. 

Cục yêu cầu thành lập tổ công tác rà soát chấn chỉnh, xử lý đối với các hoạt động vi phạm quảng cáo; yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm.

Đồng thời, các đoàn kiểm tra đột xuất sẽ được thành lập và triển khai từ ngày 15-5 đến 15-6-2025, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các địa phương tăng cường hiệu quả quản lý trong hoạt động cấp phép, kiểm nghiệm, hậu kiểm và cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng chống gian lận thương mại.

Song song đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng giả, hàng kém chất lượng cũng được yêu cầu triển khai mạnh, giúp người tiêu dùng nhận diện và chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.

Các đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 15-6-2025 để tổng hợp, theo dõi.

Công an Bắc Giang thực hiện cao điểm truy quét, triệt phá tội phạm sản xuất hàng giả

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, kế hoạch của Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Giang, Công an tỉnh Bắc Giang về việc triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm", Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả. Đặc biệt là nhóm hàng hóa là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Đến cuối tháng 5-2025, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, xử lý 15 vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, cơ quan công an khởi tố 1 vụ án, 1 bị can sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm theo điều 193 Bộ luật Hình sự. Khởi tố 1 vụ án, 1 bị can về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại điều 317 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt 12 vụ việc vi phạm hành chính và 12 cá nhân với tổng số tiền trên 150 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy 1,5 tấn hạt hướng dương, trên 5.400 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm, bánh kẹo không rõ nguồn gốc, nhập lậu và hết hạn sử dụng.

Bên cạnh các mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018), hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm (nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020), những trường hợp vi phạm liên quan tới bán hàng giả, thực phẩm bẩn có thể bị xử lý hình sự.

Chẳng hạn, điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có mức phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Trong khi đó, điều 193 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm quy định nếu hành vi nghiêm trọng, mức phạt có thể cao nhất lên tới 15 - 20 năm tù hoặc chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền bổ sung đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cũng như cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm.

Phát hiện gần 1.000 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc ở Ninh Thuận

Cục Quản lý thị trường Ninh Thuận kiểm tra đột xuất cơ sở bán hàng online qua các kênh Zalo, Facebook và phát hiện gần 1.000 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ.

Chiều 23-5, ông Trần Kiều Hưng - cục trưởng Cục Quản lý thị trường Ninh Thuận - cho biết đơn vị đang xác minh xử lý vi phạm đối với một cơ sở kinh doanh sản phẩm quần áo qua mạng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, Đội quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Ninh Thuận đã kiểm tra đột xuất một cơ sở bán hàng online Shop Diễm My tại thôn Từ Tâm 1, xã Phước Hải (huyện Ninh Phước).

Cụ thể, đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này đang kinh doanh gần 1.000 sản phẩm quần áo các loại.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh này không xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa nói trên. Trên sản phẩm cũng không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để tiến hành xác minh và xử lý theo quy định.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn