Chọn ngành học để nắm bắt cơ hội "vàng" từ mục tiêu bứt phá về khoa học công nghệ

(Dân trí) - Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã mở ra cơ hội bứt phá cho các ngành công nghiệp chiến lược trong kỷ nguyên số, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thế hệ trẻ tham gia vào nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao.
Nhiều lĩnh vực mới bên cạnh công nghệ thông tin được xác định là công nghiệp chiến lược
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, năng động, giàu tiềm năng trong các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học cơ bản, được doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao, song chưa được khai thác hiệu quả. Do đó, nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn là yêu cầu cấp thiết.
Trước thực tiễn đó, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết đã xác định các ngành công nghiệp chiến lược của Việt Nam với tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Khoa học Vật liệu, Công nghệ Sinh học và Khoa học Vũ trụ là ba trong số các lĩnh vực then chốt, đóng vai trò trụ cột cho nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn và các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Cụ thể, Khoa học Vật liệu, đặc biệt là vật liệu tiên tiến và công nghệ Nano, giữ vị trí trung tâm trong sự phát triển của các ngành công nghiệp hiện đại như điện tử bán dẫn, năng lượng tái tạo, y sinh, môi trường và hàng không vũ trụ. Thiết kế và chế tạo các vật liệu mới có tính năng vượt trội không chỉ tạo ra đột phá trong công nghệ sản xuất mà còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đây chính là nền tảng để Việt Nam từng bước làm chủ các công nghệ lõi, phục vụ cả sản xuất trong nước lẫn tham gia chuỗi công nghệ toàn cầu.
Công nghệ Sinh học được đánh giá là đòn bẩy cho các ngành y tế, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Không chỉ đóng góp quan trọng trong lĩnh vực y tế với các công nghệ như vắc-xin thế hệ mới, liệu pháp gen, thuốc sinh học và công nghệ chẩn đoán tiên tiến, công nghệ sinh học còn hỗ trợ hiệu quả cho nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm và xử lý môi trường. Theo định hướng của Nghị quyết 57, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái công nghệ sinh học vững mạnh, trọng tâm là đào tạo nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và sản xuất.
Khoa học Vũ trụ mang ý nghĩa chiến lược trong bảo vệ chủ quyền không gian, giám sát tài nguyên thiên nhiên, dự báo thiên tai, phục vụ quốc phòng - an ninh và phát triển hạ tầng thông tin. Sự kiện phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1A năm 2013 và MicroDragon năm 2019 đã đánh dấu những bước đi vững chắc cho khả năng phát triển và điều khiển vệ tinh của Việt Nam, mở ra triển vọng phát triển các dòng vệ tinh giá trị cao, phục vụ công tác quan trắc tài nguyên, theo dõi biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc gia.
Hướng nghiệp đón đầu định hướng ngành công nghiệp chiến lược theo Nghị quyết 57
Trong dòng chảy công nghệ của Việt Nam và thế giới, việc lựa chọn theo học các ngành thuộc những lĩnh vực công nghệ chiến lược quốc gia không chỉ là bước đi thông minh, mà còn là cơ hội để người trẻ khẳng định vai trò trong sự phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu. Song song với đó, việc chọn lựa các môi trường đào tạo chất lượng cao cũng trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều bạn trẻ. Năm 2025, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam.
Với thế mạnh được hỗ trợ mạnh mẽ bởi đối tác chiến lược là Cộng hòa Pháp và cơ quan chủ quản là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, USTH "ghi điểm" với các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, trong đó có các ngành học thuộc 3 lĩnh vực Khoa học Vật liệu, Công nghệ Sinh học và Khoa học Vũ trụ.
Về lĩnh vực Khoa học Vật liệu, chương trình Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano tại USTH trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc về khoa học vật liệu và công nghệ nano, đồng thời nổi bật với thời lượng thực hành cao trong các phòng thí nghiệm hiện đại và thời gian thực tập 3-6 tháng tại các viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực tiễn tạo tiền đề thuận lợi để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia vào nghiên cứu và phát triển vật liệu trong các lĩnh vực đang "khát" nhân lực như vi mạch bán dẫn, y sinh, môi trường, năng lượng tái tạo.
Về Công nghệ Sinh học, USTH triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu: Công nghệ sinh học - Phát triển thuốc, Khoa học và Công nghệ thực phẩm, và Khoa học và Công nghệ Y khoa với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo các hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong dược phẩm, y học, nông nghiệp và thực phẩm. Sinh viên được tham gia dự án nghiên cứu cùng giảng viên cùng các chương trình thực tập tại các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tại nhiều quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển vượt bậc như Pháp, Nhật Bản, Mỹ….
Bên cạnh đó, với chương trình liên kết đào tạo cấp song bằng ngành Công nghệ sinh học - Phát triển thuốc, sinh viên được học 2 năm tại Việt Nam và 1 năm tại Pháp, nhận 2 bằng đại học sau khi tốt nghiệp (của USTH và của trường đối tác Pháp). Qua đó, sinh viên nắm bắt và làm chủ kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động giàu tiềm năng không những trong lĩnh vực được coi là "xương sống" của Việt Nam mà còn đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động thế giới trong kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, USTH là một trong số ít trường đại học tại Việt Nam đào tạo chính quy ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh. Chương trình học lý thuyết kết hợp chặt chẽ với thực hành, tập trung vào ba mảng chính gồm Quan sát trái đất và Mô hình hóa, Vật lý thiên văn, và Công nghệ Vệ tinh. Mục tiêu của chương trình nhằm đào tạo các chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp và các nhà khoa học trẻ có khả năng làm chủ công nghệ, góp phần phát triển ngành công nghiệp không gian "Make in Vietnam" và phục vụ hiệu quả các lĩnh vực như quốc phòng - an ninh, dự báo thiên tai, quản lý tài nguyên và biến đổi khí hậu.
Với những chính sách đầu tư và phát triển của Chính phủ, có thể nói đây là giai đoạn "vàng" để giới trẻ theo học các ngành khoa học công nghệ chiến lược, để trở thành lực lượng tiên phong đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.