Nhảy đến nội dung
 

Chờ đợi những quyết sách lịch sử từ kỳ họp thứ 9 của Quốc hội

Trước thềm khai mạc, các đại biểu cùng đòi hỏi chính mình và kỳ vọng Quốc hội sẽ phát huy hết tâm huyết, trách nhiệm để có các quyết định quan trọng, đúng đắn trong một "kỳ họp lịch sử" vì sự phát triển vững chắc của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đó cũng là điều mà cử tri đang chờ đợi: những quyết sách đổi mới đủ mang tính lịch sử.

Đại biểu BÙI HOÀI SƠN (Hà Nội):

Đổi mới, sáng tạo vì phát triển đất nước

Kỳ họp thứ 9 diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 11 - một hội nghị lịch sử bàn bạc, thống nhất những quyết sách lớn liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đổi mới hệ thống chính trị, sáp nhập các đơn vị hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. 

Đây là những vấn đề không chỉ có ý nghĩa về quản lý nhà nước mà còn tác động sâu rộng đến đời sống của người dân, đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Tôi kỳ vọng kỳ họp lần này sẽ dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến để thể chế hóa các chủ trương lớn đó thành những quy định pháp luật khả thi, nhất quán, phù hợp với thực tiễn, tránh xáo trộn đời sống xã hội. 

Đảm bảo vừa đổi mới, vừa giữ gìn bản sắc, vừa ổn định, vừa tạo đà cho đất nước phát triển, bước vào kỷ nguyên mới.

Quốc hội dự kiến cho ý kiến ngay trong ngày làm việc đầu tiên về vấn đề sửa đổi Hiến pháp 2013. Tôi kỳ vọng tinh thần kỳ họp lần này cũng chính là tinh thần cải cách, đổi mới như Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh về việc phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Đó cũng là tinh thần xuyên suốt của nghị quyết 66 vừa được ban hành về công tác lập pháp.

Thêm vào đó, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược gay gắt, những bất định về kinh tế, địa chính trị, môi trường an ninh phi truyền thống... Quốc hội cần thể hiện rõ vai trò "chủ thể" trong việc hoạch định chính sách, giám sát quyền lực, quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia. 

Cử tri đang chờ đợi những quyết sách về kinh tế, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ, quốc phòng - an ninh... mà ở đó, chất lượng sống của người dân phải được đặt ở vị trí trung tâm, phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân, phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đại biểu VĂN THỊ BẠCH TUYẾT (TP.HCM):

Sẽ có những thảo luận sâu sắc, trách nhiệm, dựa trên thực tiễn

Sáp nhập tỉnh và tổ chức lại bộ máy chính quyền theo mô hình hai cấp là một chủ trương lớn, có ý nghĩa sâu rộng cả về mặt chính trị, kinh tế và hành chính. 

Cuộc cách mạng này là một bước đi chiến lược trong quá trình tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, nhằm thực hiện hiệu quả hơn các nghị quyết của Trung ương về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. 

Điều này còn thể hiện tư duy cải cách hành chính mạnh mẽ, đồng bộ với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và đổi mới phương thức quản trị quốc gia.

Việc sáp nhập tỉnh và tổ chức chính quyền theo hướng giảm một cấp trung gian nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong điều hành, giảm chi phí hành chính, và đặc biệt rút ngắn quy trình xử lý công việc, nâng cao tính chủ động trong điều hành, đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công một cách thuận tiện, hiệu quả và minh bạch hơn.

Dù vậy cần nhìn nhận đây là một vấn đề hệ trọng, chủ trương lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân và sự phát triển lâu dài của đất nước nói chung, các địa phương nói riêng. Rất nhiều vấn đề từ sáp nhập như đặt tên gọi mới, xác định trung tâm hành chính mới cho đến tổ chức lại bộ máy, quyền lợi, tâm tư của người dân, chính sách hỗ trợ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ bị ảnh hưởng... đều cần được bàn thảo kỹ lưỡng, toàn diện.

Tôi kỳ vọng tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ có những thảo luận sâu sắc, trách nhiệm, dựa trên thực tiễn, đặc biệt là từ những bài học kinh nghiệm trong các mô hình đã từng thí điểm. Từ những thảo luận này, Quốc hội sẽ có sự cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, lắng nghe ý kiến từ các tầng lớp nhân dân trước khi quyết định. 

Các quyết sách đó sẽ bảo đảm sự đồng thuận xã hội, với lộ trình hợp lý, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững, hài hòa giữa các vùng miền.

Đại biểu NGUYỄN HỮU THÔNG (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận):

Tạo không gian, động lực cho các địa phương, vùng phát triển

Tôi hoàn toàn tán thành chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước. 

Quan trọng hơn, chủ trương này thể hiện tư duy phát triển mới, không chỉ dừng ở mục tiêu tinh giản đầu mối mà hướng đến mục tiêu cuối cùng đưa đất nước phát triển bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình hưng thịnh.

Việc sửa đổi Hiến pháp để kết thúc hoạt động của cấp huyện, sắp xếp lại các tỉnh sẽ giúp giảm tầng nấc trung gian, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị. 

Đồng thời tạo không gian phát triển mới và động lực mạnh mẽ để các địa phương, vùng miền cùng phát triển.

Tôi kỳ vọng mỗi đại biểu cần phát huy tối đa trí tuệ, trách nhiệm để đóng góp những ý kiến thiết thực. Chúng ta nỗ lực để kỳ họp đạt hiệu quả và kết quả cao nhất. Tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng cố gắng, phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ tập thể để quyết định những vấn đề hệ trọng.