Cho con học thêm vì sợ đội sổ

Một thực tế thời gian gần đây là để cho con được tiếp tục học thêm thầy cô ở trường sau quy định mới, nhiều phụ huynh tìm cách "lách" luật. Câu hỏi đặt ra là tại sao một chủ trương tốt như Thông tư 29 lại bị biến tướng? Và vì sao chính các phụ huynh lại tìm đủ mọi cách cho con đi học thêm, tăng áp lực cho chính con mình, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em? Trong khi đó, gánh nặng tài chính lại đổ lên đầu cha mẹ học sinh.
Lý giải nguyên nhân khiến tình trạng dạy thêm, học thêm liên tục biến tướng với sự hậu thuẫn từ chính phụ huynh học sinh, độc giả Soledad cho rằng: "Chương trình giáo dục hiện nay quá nặng. Có nhiều kiến thức không thiết thực trong cuộc sống nhưng học sinh vẫn bị nhồi nhét. Cứ hỏi xem bao nhiêu thứ họ học trên trường lớp áp dụng được khi ra đời sống thực tế?
Chúng tôi là phụ huynh, phải đi làm kiếm cơm, tối về mệt mỏi, phờ phạc, không thể vật lộn dạy con được nữa. Mà cũng đâu phải phụ huynh nào cũng đủ giỏi để dạy con. Thế nên, ngẫm đi ngẫm lại, chúng tôi vẫn phải cần đến người giáo viên có chuyên môn để dạy thêm cho con mình. Do đó, nếu muốn dẹp bỏ hoàn toàn được dạy thêm, học thêm, tôi cho rằng cần xử lý cái gốc rễ trước, đó là khối lượng chương trình".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hung-nt Nguyen phân tích: "Tôi không hề muốn con phải đi học thêm, nhưng với khối lượng kiến thức trong sách giáo khoa nặng như hiện tại, nếu không đi học thêm thì con tôi chỉ có thụt lùi, đứng nửa dưới lớp, có khi còn đội sổ. Nhiều người nói con họ không đi học thêm nhưng vẫn giỏi. Điều đó chỉ đúng với những em có năng lực vượt trội. Song, giáo dục phổ thông là phổ cập chứ không thể đánh giá dựa trên số lượng nhỏ những em giỏi".
>> Con tôi bốn năm liền 'đội sổ' trên lớp vì không theo kịp chương trình
Trong khi đó, với suy nghĩ khác về nguyên nhân của thực trạng dạy thêm tràn lan, độc giả Metalica phản biện: "Học thêm xuất phát từ chính nhu cầu của một số phụ huynh, chứ không phải là nhu cầu của học sinh. Mục đích của học thêm xuất phát từ bệnh thành tích của phụ huynh, chứ không phải vì kiến thức. Dễ thấy là chẳng có ai cho con đi học thêm Sử, Địa... mà chỉ chăm chăm vào Toán, Lý, Hóa để đi thi. Vậy ở đây không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu kiến thức cho cuộc sống của học sinh. Khi đã có cung thì ắt sẽ có cầu".
Cùng chung nhận định, bạn đọc Hue Bui bổ sung thêm: "Học thêm phần lớn là do phụ huynh lo lắng về đầu ra của con mình: liệu con có thi được vào trường A, trường B không? Họ không biết rằng, khi học sinh học thêm nhiều, giáo viên đến lớp giảng ngày một hời hợt vì thế tôi ủng hộ cấm triệt để dạy thêm dưới mọi hình thức. Khi tất cả học sinh được giáo dục công bằng thì khỏi ai lo phải đi học thêm nữa. Tất nhiên, nên có chế tài dạy phụ đạo cho các em có điểm trung bình dưới 6.0 (nếu muốn). Tóm lại, học thêm chỉ dành cho học sinh yếu kém, trung bình".
Lấy dẫn chứng từ cách nuôi dạy con của bản thân, độc giả Trungtuyen nhấn mạnh: "Tôi theo sát con học từ lớp 1 đến lớp 3, thấy rằng con chỉ cần tập trung 30 phút đến một tiếng là xong hết bài tập trên lớp. Con tôi đi học về cũng nói bài dễ, nhẹ nhàng, không khó gì mà phải đi học thêm. Con tôi có thể viết chữ hơi xấu, nhưng tôi chỉ nhắc nhở để con viết cẩn thận, rõ ràng hơn là được, không cần thi vở sạch chữ đẹp, mọi thứ chỉ tương đối.
Khi nào con học lớp lớn hơn, bài khó hơn, tôi không thể giải thích được nữa thì tôi mới tìm cách khác. Nhưng nói chung, tôi luôn cố gắng cho con mình được phát triển một cách tự nhiên, có cơ hội tự tìm hiểu thêm thế giới xung quanh nhiều hơn là phải ngồi học từ trường đến lớp học thêm. Còn những phụ huynh muốn con đạt thành tích cao mới phải cho học thêm liên tục. Và tôi chắc rằng đó là mong muốn của họ chứ các con chỉ làm theo vô điều kiện mà thôi".
Việt Thành tổng hợp