Nhảy đến nội dung

Chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân phải hiệu quả, khả thi

Sáng 15.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Dự thảo nghị quyết thể chế hóa 5 chính sách lớn được nêu tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành ngày 30.4. Cụ thể là các chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai; hỗ trợ tài chính, tín dụng, thuế; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp (DN) vừa và lớn, DN tiên phong.

Dự thảo quy định rõ, việc thanh tra, kiểm tra với DN, hộ kinh doanh không được quá 1 lần/năm; xử lý nghiêm hành vi lạm dụng để nhũng nhiễu. Cùng đó, các vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; tổ chức, cá nhân vi phạm được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Ngay cả với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước. Nghị quyết cũng quy định không áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh…

Để tháo gỡ nút thắt về tiếp cận vốn, tăng năng lực tài chính cho kinh tế tư nhân, dự thảo nghị quyết quy định hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các dự án xanh, tuần hoàn, ESG; hỗ trợ tài chính qua Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, ưu đãi thuế, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

Cạnh đó, miễn thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Miễn thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập kể từ thời điểm được cấp giấy đăng ký DN lần đầu.

DN công nghệ cao, DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng đối với các DN thuộc 3 nhóm nói trên. Khoản hỗ trợ sẽ được nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư. Ngoài ra, chấm dứt hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ 1.7.2026. Đồng thời, chấm dứt việc thu lệ phí môn bài từ 1.1.2026…

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung chế tài đối với hành vi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kéo dài, gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Cạnh đó, có ý kiến đề nghị không thực hiện biện pháp ngăn chặn bằng "tạm giam" khi chưa thật sự cần thiết.

Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế xin - cho, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của DN. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất.

Cơ quan thẩm tra cũng đặc biệt lưu ý tới việc đảm bảo tính khả thi, bảo đảm hiệu quả, không dẫn đến cơ chế xin - cho, trục lợi chính sách khi triển khai chính sách trên thực tế.

Hỗ trợ tối đa DN tư nhân

Thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết chiều cùng ngày, đại biểu (ĐB) Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) tán thành với các nguyên tắc về thanh tra, kiểm tra, cấp phép cũng như xử lý vi phạm. Tuy nhiên, ông đề nghị, trong xử lý vi phạm cần tăng cường biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại trong tố tụng hình sự. Chỉ trường hợp thật cần thiết mới áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam. "Trên thực tế, rất nhiều vụ án mà nếu cho doanh nhân tại ngoại thì họ có cơ hội để khắc phục thiệt hại hoặc tiếp tục điều hành công việc kinh doanh. Việc tạm giữ, tạm giam kéo dài đối với doanh nhân nhiều khi chỉ giải quyết được một vụ án nhỏ nhưng lại khiến cả một DN lớn lâm vào khó khăn, mất sức cạnh tranh với quốc tế", ĐB Đồng phân tích.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc thì băn khoăn với nguyên tắc chỉ thanh, kiểm tra 1 lần/năm vì "không biết có đầy đủ không", nhất là các lĩnh vực liên quan tới thực phẩm, PCCC… Ông cho rằng nếu quy định cứng tại nghị quyết chỉ được thanh, kiểm tra 1 lần thì dễ tạo lỗ hổng nên phải cân nhắc. Cùng đó, quy định miễn kiểm tra thực tế khi tuân thủ tốt pháp luật cũng sẽ gây khó khăn trong triển khai thực tế.

Liên quan tới các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc băn khoăn khi chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm với các dự án đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh đã được áp dụng với Nghị quyết chính sách đặc biệt đột phá KH-CN, đổi mới sáng tạo, giờ tiếp tục đưa vào nghị quyết này. Vậy với các thành phần kinh tế khác như DN nhà nước có được hỗ trợ không?

Cùng đó, ông Phớc cho rằng Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa được quy định để cho vay với DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp thì "thất bại ngay từ khi thiết kế". "Làm gì sinh ra một quỹ cho vay và thu tiền, đố cho vay mà thu hồi được tiền đấy. Không có cơ chế nào thu tiền. Tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp không có", ông Phớc nhấn mạnh và đề nghị quỹ này chỉ nên hỗ trợ DN chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực hay thu hút công nghệ cao, giải phóng mặt bằng…

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập DN lên 5 năm và sau đó tiếp tục giảm 50% thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp. Ông cho rằng thời gian này mới đủ tạo "không gian tài chính" đủ dài cho nhóm DN khởi nghiệp sáng tạo. Bởi vì thời hạn giảm 2 năm như dự thảo nghị quyết là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của DN khởi nghiệp sáng tạo; chưa tạo động lực đủ mạnh cho DN.

Thông tin thêm tại tổ, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quá trình nghiên cứu thiết kế chính sách tại dự thảo nghị quyết phải cân nhắc rất kỹ, chẳng hạn cơ chế hỗ trợ để có các DN tiên phong, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực, quốc tế. "Làm sao các chính sách đưa ra đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho DN tư nhân, nhưng không gây bất bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, không vi phạm cam kết quốc tế", ông Dũng nói và cho biết hiện các chính sách để có DN tiên phong tại dự thảo nghị quyết vẫn chưa nhiều và còn chung chung. Tuy nhiên, việc thiết kế chính sách cũng rất khó vì hỗ trợ gì thì hỗ trợ nhưng phải đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khác. 

"Nên cho một số DN, một số lĩnh vực để họ có điều kiện lớn lên. Nếu không giao thì DN không làm. Ví dụ đường sắt tốc độ cao, nếu chúng ta không đặt hàng DN, tức không đủ dung lượng thị trường thì họ không dám đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất", Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nêu.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn