Chính phủ đề xuất bổ sung 44.000 tỷ đồng để chi cho sắp xếp bộ máy

Thông tin này được nêu trong báo cáo tình hình thực hiện ngân sách 2024-2025 được Chính phủ trình Quốc hội, tại phiên khai mạc kỳ họp 9 ngày 5/5.
Theo Kết luận 126, 127 và 130 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả nước đang thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Chính phủ cho biết các địa phương cần có thêm khoảng 59.000 tỷ đồng để chi trả chế độ cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Khoản này gồm 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và 44.000 tỷ ngân sách trung ương (gồm 14.200 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu cho các địa phương, nguồn thực hiện tương tự theo cơ chế cải cách tiền lương).
Để có nguồn thực hiện, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 15.710 tỷ đồng còn dư từ điều chỉnh lương cơ sở năm 2024 để chuyển nguồn sang 2025. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 28.290 tỷ đồng dự toán thu ngân sách trung ương 2025 từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương và bổ sung tương ứng dự án toán ngân sách.
Trường hợp dùng hết 44.000 tỷ đồng này nhưng vẫn thiếu, Chính phủ muốn Quốc hội cho phép dùng khoản tích lũy chi cải cách tiền lương 2024 còn dư để bổ sung cho các địa phương. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc thực hiện tại kỳ họp gần nhất.
Thẩm tra nội dung này, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra nhất trí việc trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí 44.000 tỷ đồng như phương án Chính phủ trình.
Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư, theo ông Mãi cần thực hiện theo Hiến pháp, Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, ông đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán với nhiệm vụ chi này. Trường hợp giữa hai kỳ họp, Quốc hội có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trường hợp chưa rõ phương án phân bổ cụ thể, trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, Chính phủ cần thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị được chuyển khoảng 6.623 tỷ đồng nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương 2024 chưa phân bổ sang 2025, để có nguồn thực hiện miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo tính toán trước đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần khoảng 10.000 tỷ đồng (riêng năm 2025 là 4.500 tỷ đồng) để miễn học phí cho học sinh từ mầm non tới cấp THPT.
Để đủ nguồn chi 3% ngân sách năm nay cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2024. Trường hợp sau khi đã sử dụng nguồn tăng thu, nhưng vẫn không đủ, Chính phủ muốn được sử dụng khoản trong dự toán chi ngân sách trung ương chưa phân bổ để thực hiện nhiệm vụ này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết cơ quan thẩm tra nhất trí việc chuyển dự toán để có nguồn miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp bộ máy. Cơ quan này cũng đồng tình sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2024 cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý nhiều năm qua việc giải ngân ngân sách cho khoa học, công nghệ bị chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có giải pháp kịp thời và chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, giải ngân, nhằm tránh thất thoát, lãng phí.
Tại kỳ họp vào cuối 2024, Quốc hội quyết nghị dự toán ngân sách 2025 là gần 1,967 triệu tỷ đồng; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương 110.600 tỷ. Chi ngân sách 2025 là gần 2,55 triệu tỷ đồng; bội chi ngân sách 471.500 tỷ (tương đương 3,8 % GDP).
Để đạt mục tiêu GDP tăng 8% trở lên, Quốc hội cho phép trường hợp cần thiết, điều chỉnh bội chi lên khoảng 4-4,5% GDP; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm nay, thu ngân sách ước đạt 944.100 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nội địa vẫn là nguồn chủ yếu, đạt 49,6% dự toán và tăng 29,5% so với cùng kỳ.
Ngân sách đã chi 595.400 tỷ đồng, tăng 15,2% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 16,3% dự toán Quốc hội quyết định. Chi trả nợ lãi 36,8% dự toán, chi thường xuyên 27.1% dự toán.
Chính phủ cho biết cân đối ngân sách (trung ương, địa phương) được đảm bảo. Tính tới cuối tháng 4, gần 152.900 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ được phát hành, kỳ hạn bình quân 9,91 năm với lãi suất trung bình 2,89% một năm.
Anh Minh