Nhảy đến nội dung
 

'China Shopping': Nhiều người Mỹ bay thẳng sang Trung Quốc mua sắm để né thuế hàng nhập khẩu

Sau khi Mỹ siết thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng Mỹ bay sang tận nơi để mua sắm, nhằm tránh mức thuế cao và tận dụng các chính sách hoàn thuế hấp dẫn từ Trung Quốc.

Theo báo cáo của nền tảng truyền thông trực thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) Yuyuan Tantian ngày 2-5, trên các nền tảng mạng xã hội tại Mỹ, một xu hướng tiêu dùng mang tên "China Shopping", tức là mua sắm trực tiếp tại Trung Quốc đang thu hút sự chú ý rộng rãi.

Theo đó, xu hướng này xuất hiện trong bối cảnh Chính phủ Mỹ triển khai hủy bỏ chính sách miễn thuế đối với các gói hàng có giá trị nhỏ dưới 800 USD từ Trung Quốc từ ngày 2-5.

Hãng tin Reuters ngày 2-5 cho biết chi phí nhập khẩu vào Mỹ hiện nay chịu ảnh hưởng lớn từ phương thức vận chuyển. Đối với các gói hàng nhỏ được xử lý qua dịch vụ bưu chính Mỹ, người nhận phải chịu mức thuế có thể lên tới 120% giá trị hàng hóa, hoặc 100 USD cho mỗi gói hàng.

Nhiều người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là giới trung lưu và các doanh nghiệp nhỏ, đã tìm cách thích ứng trước chính sách thuế mới.

Thay vì đặt mua trực tuyến và chịu mức thuế cao, họ lựa chọn bay thẳng sang Trung Quốc để mua sắm trực tiếp nhằm tiết kiệm chi phí.

Truyền thông Trung Quốc nhận định chính sách mới của Mỹ nhằm điều chỉnh cán cân thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tuy nhiên một bộ phận người tiêu dùng Mỹ đã chọn bay sang Trung Quốc để mua sắm, tận dụng chênh lệch giá và né tránh chi phí do thuế.

Theo nền tảng truyền thông Yuyuan Tantian, trước khi cụm từ "China Shopping" trở nên phổ biến, nhiều người tiêu dùng Mỹ đã tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử như DHgate, nơi họ có thể mua hàng từ nhà cung cấp Trung Quốc với giá thấp hơn đáng kể so với bán lẻ nội địa.

Việc này giúp ứng dụng DHgate ghi nhận lượng tải về tăng vọt tại thị trường Mỹ, vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng ứng dụng, chỉ sau ứng dụng ChatGPT.

Theo trang Sina Finance ngày 3-5, mức giá tại thị trường Trung Quốc thấp hơn đáng kể ở một số phân khúc sản phẩm.

Ví dụ hàng hóa tại một số siêu thị lớn có thể thấp hơn 30-40% so với ở Mỹ, điện thoại Huawei Mate60 có giá khoảng 600 USD so với 1.200 USD tại Mỹ, và một số dòng mỹ phẩm nội địa Trung Quốc chỉ có giá bằng khoảng 1/3 so với tại Mỹ.

Nhiều người tiêu dùng Mỹ chọn kết hợp du lịch với mua sắm tại Trung Quốc, để tận dụng mức giá thấp hơn so với ở Mỹ.

Theo tính toán của họ, nếu mua đủ số lượng thì phần tiền tiết kiệm từ chênh lệch giá có thể đủ để bù lại chi phí vé máy bay khứ hồi.

Theo blogger người Mỹ Dante Munoz chia sẻ với nền tảng Yuyuan Tantian, các chính sách như miễn thị thực quá cảnh 240 giờ cho công dân 54 nước, trong đó có Mỹ, đang thúc đẩy xu hướng mua sắm của du khách tại Trung Quốc.

Ngoài ra, chính sách hoàn thuế VAT 13% tại sân bay cũng được cho là góp phần đáng kể.

Bên cạnh người tiêu dùng cá nhân, nhiều blogger, doanh nghiệp nhỏ và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ mua hộ cũng bắt đầu tham gia xu hướng này.

Một số người còn thực hiện các buổi phát trực tiếp trong quá trình mua sắm, để thu hút người xem và gia tăng doanh thu từ mô hình "mua hộ" xuyên biên giới.