Chiều dài ngón tay dự đoán khả năng chạy - Báo VnExpress

Chúng ta thường chú trọng vào bàn chân và kỹ thuật sải chân, nhưng ít ai nghĩ rằng ngón tay có thể tiết lộ khả năng chạy bền. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới từ Đại học Nam Australia và Đại học Bắc Dakota cho thấy điều này có thể đáng cân nhắc.
Thông qua một phân tích tổng hợp (meta-analysis) trên hơn 5.000 người thuộc 12 quốc gia, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng tỷ lệ giữa ngón trỏ và ngón áp út - gọi là chỉ số 2D:4D - có thể cung cấp manh mối về tiềm năng chạy đường dài.
Kết quả được công bố trên Tạp chí Sinh học Con người của Mỹ (American Journal of Human Biology), cho thấy những người có ngón áp út dài hơn tương đối so với ngón trỏ (tức 2D:4D thấp) có xu hướng chạy bền tốt hơn - được cho là liên quan đến mức testosterone tiếp xúc từ khi còn trong bào thai.
Tỷ lệ 2D:4D là phép so sánh giữa độ dài của ngón trỏ (2D) và ngón áp út (4D). Khi ngón áp út dài hơn ngón trỏ, tức tỷ lệ thấp, điều này được cho là phản ánh mức testosterone cao mà cơ thể tiếp xúc từ trong bào thai. Môi trường nội tiết tố sớm này có thể ảnh hưởng lâu dài đến hệ tim mạch và khả năng thích nghi với căng thẳng thể chất sau này.
Trong nghiên cứu, những runner có tỷ lệ ngón tay thấp hơn thường có khả năng duy trì cường độ vận động cao lâu hơn trước khi mệt mỏi — đặc điểm được gọi là khả năng chịu đựng vận động (exercise tolerance). Đây không phải là yếu tố quyết định tốc độ, mà là khả năng bền bỉ khi cơ thể bắt đầu mỏi mệt - điều then chốt với các VĐV chạy marathon.
Bethany Gower, một thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định mối liên hệ giữa tỷ lệ ngón tay và sức bền là "đáng kể cả về hiệu suất lẫn tiềm năng thể thao".
Nhóm nghiên cứu cho rằng tỷ lệ 2D:4D có thể là một chỉ số đơn giản, giúp dự đoán khả năng thích nghi với các bài tập sức bền. Cách kiểm tra rất dễ: chỉ cần duỗi thẳng bàn tay và so sánh chiều dài giữa ngón trỏ và ngón áp út. Nếu ngón áp út dài hơn, bạn sở hữu tỷ lệ thấp - đặc điểm được cho là liên quan đến khả năng chịu đựng vận động tốt hơn.
Tất nhiên, tỷ lệ ngón tay không thể thay thế cho việc tập luyện, sự kiên trì hay chế độ hồi phục hợp lý, nhưng nó mở ra một cách nhìn mới về cách cơ thể mỗi người được "lập trình sẵn" để phản ứng với thể thao sức bền. Với một số người, lợi thế có thể đã hình thành từ trong bụng mẹ.
Hồng Duy (Theo Canadian Running Magazine)