Châu Á thông qua tuyên bố chống tin giả

Hội nghị Truyền thông châu Á lần thứ 20 tại Campuchia đã thông qua Tuyên bố Angkor 2.0, khẳng định quyết tâm đấu tranh với tin sai và tin giả.
Tuyên bố này đánh dấu "chương mới táo bạo" trong hành trình chung của khu vực hướng tới sự thật, niềm tin và khả năng thích ứng trong môi trường số. Đây là sự nghiêm túc trong việc ứng phó với thách thức không biên giới mà tin giả đang tạo ra.
Kết thúc ngày 23-7 tại thành phố Siem Reap, Tây Bắc Campuchia, hội nghị với sự tham dự của hơn 700 đại biểu từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đạt được sự nhất trí quan trọng.
Tuyên bố Angkor 2.0 được xây dựng trên nền tảng của Tuyên bố Angkor ban đầu đã thông qua tại hội nghị lần thứ 16 năm 2019.
Bộ trưởng Thông tin Campuchia Neth Pheaktra nhấn mạnh tính đổi mới của tuyên bố trong phát biểu bế mạc.
Ông khẳng định các cuộc thảo luận trong hội nghị cho thấy thông điệp rõ ràng: tin giả không chỉ gây phiền toái mà còn tạo ra mối nguy hiểm thực sự, đe dọa sự gắn kết xã hội, hòa bình, ổn định và tiến trình dân chủ.
"Thách thức này không có biên giới, do đó giải pháp của chúng ta cũng phải không biên giới, được xây dựng dựa trên sự đoàn kết, phối hợp và hành động tập thể", ông Pheaktra nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Pheaktra cũng đề cập đến vai trò của công nghệ mới. Từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến chuỗi khối (blockchain) và kể chuyện nhập vai đều có thể phục vụ người dùng tốt hơn và tiếp cận nhiều người hơn. Tuy nhiên, ông cảnh báo những công cụ này phải được sử dụng thận trọng.
"Công nghệ phải được tạo ra để phục vụ, chứ không phải để chia rẽ, lừa dối hay thao túng người dân", ông Pheaktra lưu ý.
Hội nghị năm nay mang chủ đề "Kỷ niệm hai thập kỷ xuất sắc và hơn thế nữa" đã tạo cơ hội cho lãnh đạo các đài phát thanh, truyền hình và các nhà hoạch định chính sách truyền thông quốc tế gặp gỡ, thảo luận. Mục tiêu là cải thiện, nâng cao chất lượng truyền thông, bắt kịp xu thế trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ thời kỳ mới.