Chân răng bật ra khỏi ổ sau hai năm niềng

Ngày 19/5, bác sĩ Phạm Quang Dương, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho biết nếu không điều trị sai khớp cắn kịp thời, đặc biệt ở hàm dưới, người bệnh có thể bị đau hoặc ê buốt kéo dài. Trong trường hợp nặng, có thể cần ghép xương, ghép nướu hoặc nhổ răng.
Chị cho biết sau khi tháo niềng, răng vẫn còn khoảng hở. Tuy nhiên, suốt quá trình điều trị, bác sĩ không phát hiện bất thường. Khi tới Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương hồi cuối năm 2024, kết quả chụp phim cho thấy khớp cắn của người bệnh chưa được điều chỉnh đúng, một số chân răng đã bật khỏi xương ổ.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sai khớp cắn do xương hàm, kết hợp sang chấn khớp cắn sau chỉnh nha bù trừ quá mức. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật chỉnh hình xương hàm, sau đó tiếp tục chỉnh lại răng.
Người bệnh phải phẫu thuật hai lần trong 6 tháng (chỉnh hàm và tháo vít), chịu nhiều đau đớn kéo dài, dẫn đến tâm lý lo sợ và ám ảnh. Hiện người phụ nữ tập ăn nhai, cần thêm thời gian để hồi phục và tiếp tục điều trị chỉnh nha.
Niềng răng giúp đưa răng về vị trí đúng, cải thiện khớp cắn. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng kỹ thuật hoặc chăm sóc kém, các biến chứng nguy hiểm dễ xảy ra như tổn thương mô quanh răng, răng lung lay do lực kéo mạnh hoặc liên tục, vệ sinh không đúng gây viêm nướu, tụt lợi. Một số dấu hiệu thường gặp gồm nướu sưng, đỏ, phù nề, dễ chảy máu.
Ngoài ra, khi đeo niềng, thức ăn dễ bám quanh mắc cài, vệ sinh khó khăn khiến vi khuẩn tích tụ, gây hại cho men răng và tủy. Người niềng còn có nguy cơ lệch khớp cắn, răng di chuyển ngoài ý muốn, thường gặp khi bác sĩ thiếu kinh nghiệm hoặc người bệnh không tái khám đúng lịch.
Nếu điều chỉnh sai kỹ thuật hoặc lực kéo không đều, bệnh nhân có thể bị rối loạn khớp thái dương hàm, gây đau khi há miệng, lạo xạo xương hàm, ảnh hưởng khả năng nhai nuốt. Lực siết quá mạnh còn có thể làm tổn thương mạch máu nuôi tủy, dẫn đến hoại tử tủy.
Bác sĩ khuyên người niềng răng nên chọn cơ sở nha khoa uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm, tuân thủ lịch tái khám. Nếu có bất thường trong quá trình điều trị, cần thông báo sớm để được xử lý kịp thời.
Không tự ý điều chỉnh dây cung hoặc dùng chun chỉnh nha tại nhà, tránh tự sử dụng thuốc giảm đau. Người niềng cần vệ sinh răng miệng kỹ, đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày với bàn chải riêng, sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ và nước súc miệng. Tránh dùng tăm vì có thể gây tổn thương nướu và lệch mắc cài.
Ngoài ra, cần ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm cứng, dai, dính như kẹo, thịt dai, bánh dẻo, kiêng đồ ngọt, nước có gas do nguy cơ sâu răng và mảng bám. Nên cắt nhỏ thực phẩm để giảm lực nhai và tránh lệch mắc cài. Khi chơi thể thao, nên đeo dụng cụ bảo vệ hàm để phòng ngừa va đập làm hỏng niềng.
Thúy Quỳnh