Chấn chỉnh thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước liên tục ra văn bản chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng trong bối cảnh giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn duy trì ở mức cao
Ngay sau công điện về triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 2 đã liên tiếp có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng, tổ chức tín dụng tuân thủ quy định liên quan vàng miếng.
Siết mua bán vàng miếng trái phép
Theo đó, tại các địa điểm mua bán vàng miếng, các đơn vị phải thông tin cho khách hàng, người dân nhận diện được đây là địa điểm mua bán vàng miếng được NHNN cấp phép; niêm yết công khai bản sao có chứng thực giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng đã cấp cho đơn vị...
Chiều 21-5, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, một số chi nhánh của công ty vàng ở TP HCM đã treo bảng hiệu thông báo "Điểm kinh doanh mua bán vàng miếng SJC". Giải pháp này nhằm bảo đảm người dân nhận biết được địa điểm mua bán vàng miếng hợp pháp để phân biệt với các cửa hàng, DN kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ khác. "Người dân chỉ được thực hiện mua bán vàng miếng SJC tại các đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Các DN kinh doanh vàng (vàng trang sức mỹ nghệ) không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định, sẽ bị xử phạt" - ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2, nói.
Không chỉ yêu cầu các đơn vị phải tuân thủ quy định liên quan vàng miếng, NHNN cũng khuyến nghị người dân cần cân nhắc và thận trọng trong việc mua vàng, đầu tư vàng để tránh rủi ro do giá vàng biến động. Đồng thời, cần thực hiện đúng quy định về kinh doanh mua bán vàng.
Trong khi đó, ghi nhận trên mạng xã hội, hoạt động rao mua, rao bán vàng nhẫn, vàng miếng SJC và các thương hiệu khác như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ… vẫn diễn ra rất nhộn nhịp. Ở một cộng đồng trao đổi vàng trên Facebook với hơn 93.000 thành viên, nhiều người liên tục rao bán vàng nhẫn 99,99%; vàng miếng các thương hiệu. "Cần bán 1 lượng DOJI giá 114 triệu đồng có thương lượng; 10 chỉ vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu giá 118 triệu đồng khu vực Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cần bán; cần bán 8 lượng vàng miếng SJC tại Hà Nội; cần bán 2 lượng vàng miếng SJC giá 120 triệu đồng…" là những thông tin được rao công khai trên mạng xã hội.
Ngay phía dưới những bài đăng rao bán này, lượng người tương tác, hỏi mua hoặc xin thông tin liên hệ rất nhộn nhịp, bất chấp quy định của NHNN rằng người dân chỉ được thực hiện mua bán vàng miếng SJC tại các đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng. Điều này có nghĩa việc trao đổi, mua bán vàng miếng SJC giữa các cá nhân trên mạng là trái phép, có thể bị xử phạt. Chưa kể, nguy cơ bị lừa đảo khi mua bán vàng miếng online.
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng giao dịch tự do trên "chợ mạng", cần có giải pháp để các DN kinh doanh vàng đáp ứng đủ nhu cầu chính đáng của người dân.
Chênh lệch vẫn rất lớn
Một diễn biến khác đáng chú ý là bất chấp các văn bản yêu cầu chấn chỉnh thị trường vàng từ cơ quan quản lý, giá vàng trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Cuối ngày 21-5, giá vàng miếng SJC được các DN niêm yết ở mức mua vào 118,5 triệu đồng/lượng và bán ra 121 triệu đồng/lượng, tăng 1,7 triệu đồng so với hôm trước.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới tăng mạnh, lên mức 3.312 USD/ounce, tăng khoảng 90 USD/ounce so với phiên trước (tương đương khoảng 2,8 triệu đồng/lượng). Sau khi quy đổi, giá vàng thế giới hiện thấp hơn vàng nhẫn khoảng 10,7 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC tới 16,7 triệu đồng/lượng.
Một số DN và chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính khiến giá vàng neo cao là do tình trạng khan hiếm nguồn cung. Nhân viên Công ty SJC cho biết dù không giới hạn số lượng vàng miếng SJC khách có thể mua, nhưng việc có hàng hay không còn tùy từng thời điểm. Trong khi đó, vàng nhẫn chỉ được bán với số lượng tối đa 1 chỉ mỗi khách. Các công ty khác cũng chỉ bán vàng miếng khi có hàng và tùy tình hình thực tế.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định giá vàng miếng SJC có thể sẽ giảm theo xu hướng của giá vàng thế giới nhưng khó xảy ra trong ngắn hạn. Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện rất cao và thiếu hợp lý. "Với các giải pháp của cơ quan chức năng, việc thu hẹp khoảng cách này sẽ cần thời gian, không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Mục tiêu của chính sách là đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới, chứ không phải làm cho giá vàng nội địa giảm bằng giá vàng thế giới" - ông Khánh nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP HCM), để thu hẹp khoảng cách quá lớn giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới, cơ quan quản lý cần tăng nguồn cung vàng ra thị trường như đã làm trong năm 2024. Thực tế, trong nhiều năm qua, NHNN không tăng cung vàng miếng SJC, dẫn đến tình trạng giá vàng trong nước bị tách rời khỏi giá thế giới. "Từ tháng 4-2024 đến cuối năm 2024, NHNN đã can thiệp thị trường vàng thông qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp, giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Sau đó, NHNN chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC. Chỉ sau vài tháng kể từ khi NHNN đưa vàng miếng ra thị trường, mức chênh lệch đã giảm từ hơn 20 triệu đồng/lượng chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/lượng" - PGS Huân phân tích.
Ông Nguyễn Tu Mi, Giám đốc Công ty Vàng Mi Hồng, đề xuất về lâu dài, ngành vàng trong nước cần có những giải pháp căn cơ và bài bản hơn để bảo đảm nguồn cung ổn định, từ cơ chế nhập khẩu đến sản xuất trong nước. Khi thị trường vận hành minh bạch và có đủ hàng hóa lưu thông, giá vàng sẽ tự điều tiết ở mức hợp lý. Khi đó, DN sẽ giảm thiểu rủi ro, còn người tiêu dùng cũng yên tâm hơn khi quyết định mua bán.