'Cha mẹ gen Z ít đọc sách cho con'

Tiếp xúc với sách từ sớm giúp phát triển khả năng ngôn ngữ, trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng đọc cùng con, theo The Sydney Morning Herald. Hôm 1/7, tác giả Lauren Ironmonger trích nghiên cứu từ nhà xuất bản HarperCollins UK, kết quả cho thấy tại Anh, số cha mẹ đọc cho con nghe đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Những phụ huynh gặp khó khăn thường là người trẻ. Chưa đến một nửa số cha mẹ thuộc gen Z cho rằng đọc sách cho con là "việc thú vị". Họ coi sách, truyện như một môn học bắt buộc hơn là hình thức giải trí, thư giãn.
Dữ liệu từ nền tảng ABC Reading Eggs tại Australia cũng chỉ ra 30% phụ huynh tại bang New South Wales và 22% ở bang Victoria nói quá bận để có thời gian cho con. Theo giáo sư Robyn Cox, chuyên gia giáo dục và ngôn ngữ tại Đại học Tasmania, sự suy giảm này đến từ nhiều yếu tố như áp lực tài chính, tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng đi làm cao khiến bố mẹ trẻ kiệt sức.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cho rằng việc con luôn sao nhãng khiến họ không còn hứng thú đọc. "Con cứ ngắt lời suốt, muốn lật hết các trang thật nhanh", "Tôi rất thích nhưng con chỉ muốn đọc đi đọc lại một cuốn, như vậy rất chán", nhiều ý kiến cho hay.
Sự tác động của công nghệ khiến trẻ mất đi khả năng tập trung. "Chúng tôi thấy nhiều trẻ có thể ngồi hàng giờ xem YouTube, nhưng khi cầm sách lên thì lập tức nhấp nhổm, quậy phá, la hét hoặc bỏ chạy". Ngày nay cũng xuất hiện cụm từ "Ipad Kid" - dùng để gọi thế hệ sinh ra và lớn lên với thiết bị thông minh luôn thường trực.
Việc tiếp xúc quá nhiều với màn hình ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy ngôn ngữ và cảm xúc của trẻ. Tại Mỹ, bác sĩ nhi đã khuyến nghị phụ huynh nên giới hạn thời gian xem nội dung trên thiết bị thông minh xuống còn khoảng một giờ mỗi ngày và ba giờ mỗi cuối tuần cho trẻ trong độ tuổi từ hai đến năm.
Dawna Duff, phó giáo sư ngành ngôn ngữ trị liệu tại Đại học Binghamton, nói những trẻ không được tiếp xúc với sách từ nhỏ thường khó bắt kịp bạn bè: "Sách là nguồn học từ mới phong phú, nếu trẻ không được tiếp cận từ sớm, vốn từ vựng của chúng sẽ hạn chế, ảnh hưởng lớn đến thành tích học tập lâu dài".
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách cho con. Trên Guardian hôm 7/7, nhà văn người Anh Horatio Clare - nổi tiếng với các tác phẩm về du lịch, thiên nhiên và truyện dành cho thiếu nhi - kể kỷ niệm được bố mẹ đọc sách trước giờ đi ngủ. Theo ông, giây phút đọc cho ai đó nghe, hay được nghe, là khoảng thời gian đặc biệt, kỳ diệu với con trẻ, "nhất là khi nằm trong chăn, vừa nhìn, vừa nghe người lớn kể chuyện".
Khi làm bố, nhà văn cũng đọc truyện cho con, ông thấu hiểu niềm vui của cha mình, gọi đó là "màn biểu diễn trước giờ ngủ" bởi khi ấy, ông chìm vào thế giới truyện, thoát khỏi lo âu, gánh nặng cuộc sống hàng ngày. "Gấp trang sách lại, nhìn vào khuôn mặt người thân yêu nhất đang lim dim ngủ, bạn sẽ thấy lòng mình lắng lại. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng, giấc ngủ êm đềm của con như một món quà", nhà văn viết.
Theo The Sydney Morning Herald, đọc sách giúp phát triển các kỹ năng đi theo con người suốt đời, gồm kỹ năng giới hạn (học bảng chữ cái) và không giới hạn (vốn từ, cách diễn đạt, khả năng hiểu).
Bên cạnh mặt học thuật, việc này giúp xây dựng sự kết nối cảm xúc. "Đó là thời gian nghỉ ngơi cho cả phụ huynh và trẻ. Nó cũng gửi gắm với trẻ rằng vào cuối ngày bận rộn, con vẫn là ưu tiên hàng đầu của bố mẹ", theo chuyên gia tâm lý trẻ em và vị thành niên Deirdre Brandner.
Đồng thời, trẻ được cha mẹ đọc cho nghe có khả năng trở thành người yêu sách khi lớn lên và cũng sẽ làm vậy với con mình. Độc giả Ailish Woodhill nói trên The Sydney Morning Herald: "Ngày xưa, đêm nào mẹ cũng đọc truyện cho tôi nghe, tạo nên sự gắn kết khăng khít giữa hai mẹ con. Hiện tại, tôi duy trì truyền thống ấy với con trai sáu tháng tuổi và đọc lại những cuốn sách tuổi thơ yêu thích".
Để đồng hành con, cha mẹ cần có sự kiên nhẫn, không nên nản chí nếu con chưa tập trung, bởi "trẻ hai tuổi chưa có khả năng chú ý lâu, bố mẹ không cần phải đọc trong 20 phút hay một tiếng, có thể đọc một cuốn thật ngắn, chỉ vài trang rồi tăng dần thời lượng". Chuyên gia Dawna Duff gợi ý phụ huynh cùng trò chuyện về hình ảnh trong sách hoặc hỏi con kể lại theo cách riêng mình.
Châu Anh (theo The Guardian, The Sydney Morning Herald)