Nhảy đến nội dung
 

Cầu thủ Việt kiều cần được 'mở đường'

Như đã đề cập ở những kỳ trước, "làn sóng" cầu thủ Việt kiều về nước thi đấu ngày càng nhiều hơn nhưng lại chưa đủ chất lượng để tạo ra cú hích cho cả giải vô địch quốc gia cũng như đội tuyển VN. Để điều đó xảy ra, nền bóng đá của chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

BÀI HỌC TỪ CÂU CHUYỆN CỦA VĂN LÂM

Nhiều CĐV theo dõi bóng đá VN lâu năm hẳn chưa quên câu chuyện về bức tâm thư Đặng Văn Lâm gửi HLV Toshiya Miura năm 2015. Thời điểm đó, người gác đền của CLB Ninh Bình chia sẻ: "Mong muốn nhất bây giờ là về VN thử việc đội tuyển U.23 VN. Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Vì năm nay là năm cuối Lâm đủ tuổi để tham dự SEA Games. Miura có biết Lâm không? Nếu không bây giờ thì không bao giờ nữa". Không ai phản hồi Văn Lâm và anh vẫn mông lung. Có những thời điểm, thủ môn sinh năm 1993 phải đối diện với 2 ngã rẽ: từ bỏ sự nghiệp quần đùi áo số hoặc bước tiếp. Nhưng bằng khát khao, nỗ lực, anh vẫn quyết định trở về VN, chấp nhận sang Lào thi đấu và rồi có được chỗ đứng như ngày hôm nay.

Có 2 điều được rút ra sau câu chuyện của Văn Lâm. Đầu tiên, anh (và cả Mạc Hồng Quân) trở thành nhân vật tạo nguồn cảm hứng để rất nhiều cầu thủ Việt kiều quyết định trở về gắn bó với quê cha đất tổ. Chính Viktor Lê, một Việt kiều Nga như Văn Lâm cũng thừa nhận điều này. Một số cầu thủ khác như Tony Lê cho biết họ ấn tượng với tình yêu bóng đá của người dân VN, ấn tượng với hình ảnh những con phố rợp cờ đỏ sao vàng sau kỳ tích Thường Châu 2018, nên quyết định "hồi hương".

Điều thứ hai, đa số cầu thủ Việt kiều chủ động tìm về VN. Họ đương nhiên có tình yêu với đất nước, nhưng một phần lý do là họ không đủ sức cạnh tranh ở các môi trường bóng đá phát triển. Vì thế, đa số cầu thủ Việt kiều chật vật trong việc cạnh tranh ở môi trường V-League cũng là điều dễ hiểu. Nhiều năm qua, chỉ có Văn Lâm, Nguyễn Filip đủ sức sắm vai trụ cột của đội tuyển VN. Các cầu thủ khác như Mạc Hồng Quân, Adriano Schmidt từng được lên tuyển, nhưng không đóng góp được nhiều. Chúng ta rất cần những cầu thủ đẳng cấp như Lee Nguyễn. Nhưng trước khi trở về VN thi đấu cho HAGL, anh đã chơi cho đội tuyển Mỹ ở Copa America và không còn cơ hội khoác áo đội tuyển VN.

Gần đây, các đội bóng tại V-League cũng dần chủ động tìm kiếm nguồn cầu thủ Việt kiều thay vì đợi họ đến xin thử việc, nhưng nguồn cầu thủ chất lượng vẫn còn rất hạn chế. Nếu chỉ chờ cầu thủ gốc Việt tự phát tìm về thì bóng đá VN dễ rơi vào thế bị động.

Những câu chuyện như Văn Lâm là quý giá, nhưng không nên là ngoại lệ. Muốn tận dụng hết tiềm năng từ cộng đồng kiều bào, những người sinh ra ở châu Âu, Mỹ với nền tảng thể chất, kỹ thuật và tư duy hiện đại, bóng đá VN cần một chiến lược chủ động, mạnh mẽ và bền bỉ hơn.

HÀNH TRÌNH THỬ THÁCH

Để thu hút hiệu quả nguồn nhân lực cầu thủ gốc Việt đang thi đấu ở nước ngoài, VN cần xây dựng một cơ chế linh hoạt, chủ động và đồng bộ hơn, đặc biệt là trong vấn đề nhập tịch. Hiện nay, một trong những rào cản lớn là quy định cầu thủ phải về nước thi đấu mới có thể dễ hoàn tất thủ tục nhập quốc tịch VN. Tuy nhiên, với đặc thù của bóng đá hiện đại, điều này vô tình gây khó dễ cho những cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng khoác áo đội tuyển VN.

Một giải pháp hợp lý là tạo cơ chế đặc biệt cho những cầu thủ mang dòng máu Việt, có thể chứng minh được huyết thống, thành tích thể thao và thiện chí gắn bó với bóng đá VN. Họ nên được xem xét nhập tịch ngay cả khi chưa thi đấu ở V-League, thông qua sự phối hợp giữa VFF và các ban, ngành liên quan. Việc này không dễ, nhưng nếu có một kênh xử lý tập trung, thủ tục minh bạch và có lộ trình cụ thể, sẽ giúp rút ngắn thời gian đáng kể. Cũng có không ít trường hợp cầu thủ gốc Việt không chứng minh được gốc gác vì thất lạc giấy tờ (do di cư, chiến tranh…) nên cũng gặp khó khăn trong khâu xin quốc tịch VN. Đây cũng là điều cần được xem xét, tạo điều kiện để cống hiến.

Song song đó, bóng đá VN cần tăng cường kết nối với cộng đồng kiều bào, đặc biệt là tại các quốc gia có nền bóng đá phát triển như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Mỹ, Úc… Việc thành lập một mạng lưới đại diện, liên kết với các học viện, CLB, HLV địa phương sẽ giúp tiếp cận cầu thủ Việt kiều ngay từ khi họ còn trẻ, giúp nuôi dưỡng khát khao hướng về đội tuyển quê hương. Từ đó, những trường hợp như Lee Nguyễn sẽ được phát hiện sớm.

Quan trọng nhất, VFF cần có một bộ phận chuyên môn độc lập, chuyên trách theo dõi, đánh giá, hỗ trợ và kết nối với cầu thủ Việt kiều tiềm năng trên toàn cầu. Bộ phận này có thể xây dựng cơ sở dữ liệu chung, quản lý thông tin, kỹ năng, phong độ, hoàn cảnh gia đình và tư tưởng của từng cầu thủ kiều bào. Việc "săn lùng" nhân tài cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học và lâu dài, thay vì phụ thuộc vào mạng xã hội, lời giới thiệu cá nhân hay những phương pháp thủ công như hiện nay.

Những trang như Vietnam Football Scout hay các cộng đồng người Việt tại nước ngoài, phụ huynh cầu thủ đã và đang đóng vai trò như những "vệ tinh" kết nối không chính thức. Nhưng để thực sự chuyên nghiệp, chúng ta cần một hệ thống vận hành rõ ràng và chính quy, có ngân sách đầu tư và kế hoạch dài hạn, bởi đây là cuộc đua đường trường đòi hỏi sự kiên trì và tâm huyết.

Việc thu hút và phát triển nguồn cầu thủ Việt kiều là hành trình tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc. Đó là quá trình xây dựng niềm tin, gỡ bỏ định kiến, tháo gỡ thủ tục pháp lý và hỗ trợ chuyên môn. Thành quả sẽ không đến ngay, nhưng nếu không bắt đầu từ hôm nay, bóng đá VN có thể sẽ lãng phí nhiều nhân tài. (còn tiếp)

 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn