Nhảy đến nội dung

Cầu Cần Giờ khi nào được xây?

Là cầu dây văng lớn nhất Tp.HCM nối huyện Nhà Bè - Cần Giờ, được người dân “đôi bờ” mong mỏi suốt nhiều năm nhưng đến nay cầu Cần Giờ vẫn chờ quy hoạch, chưa thể khởi công.

Tháng 8/2016, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh hiện hữu, giao Bộ Giao thông Vận tải (nay Bộ Xây dựng) rà soát, bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai.

Sau đó, UBND Tp.HCM đã trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư dự án cầu Cần Giờ tại kỳ họp giữa năm 2024. Chủ tịch UBND Tp.HCM cũng đã từng yêu cầu vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để thực hiện các thủ tục có liên quan đến dự án.

Tuy nhiên, tháng 3/2025, Sở Giao thông Công chánh Tp.HCM cho biết, từ tháng 12/2023, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã được trình Hội đồng thẩm định thành phố. Song do quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 chưa được phê duyệt, dự án cầu Cần Giờ chưa đủ cơ sở để trình HĐND Tp.HCM xem xét chủ trương đầu tư.

Sau khi quy hoạch chung của thành phố được thông qua, Sở Giao thông Công chánh Tp.HCM cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án trong năm 2025. Tp.HCM đặt mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ ngay trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.

Theo thiết kế, dự án cầu Cần Giờ là cây cầu dây văng lớn nhất TpHCM, biểu tượng hình cây Đước, có chiều dài 7,3km. Trong đó, phần cầu dài gần 3km, phần đường dẫn dài hơn 4,3km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/h, tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, bao gồm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, gói thầu xây dựng cầu.

Ngoài cầu chính, dự án còn xây dựng thêm ba cây cầu trên tuyến: Cầu Sông Chà (dài khoảng 640,5m, rộng 29,5m); cầu Tắc Sông Chà (dài khoảng 64,2m, rộng 40m); cầu Rạch Mương Ngang (trên đường song hành phía Nhà Bè) dài 64,2m, rộng 7,75m.

Về hướng tuyến, điểm đầu cầu nằm trên đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía Bắc, sau đó cắt qua đường Nguyễn Bình rồi vượt sông Soài Rạp. Khi sang huyện Cần Giờ, cầu sẽ kết nối với đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,1km về phía Nam.

Dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang hoàn chỉnh toàn tuyến 40 m, với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 35,93ha (huyện Nhà Bè 7,35ha, huyện Cần Giờ 28,58ha).

Tp.HCM dự kiến đầu tư cầu Cần Giờ theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn hơn 11.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 3.018 tỉ đồng (tương đương 36,18%), còn lại 5.323 tỉ đồng (63,82%) do nhà đầu tư huy động.

Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh, rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm đến huyện Cần Giờ từ gần 2 tiếng xuống còn 30-45 phút, cũng như kết nối nhanh đến Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.


 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn