Cánh tay robot - điều kiện để iPhone sản xuất tại Mỹ

"Tôi đã nói chuyện với Tim Cook, đặt câu hỏi khi nào ông ấy sẽ mang iPhone đến Mỹ. Ông ấy nói tôi cần có những cánh tay robot, có thể thực hiện khả năng lắp ráp chính xác ở quy mô lớn", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói trong phỏng vấn với CNBC ngày 29/4.
Theo Lutnick, Apple sẵn sàng chi 500 tỷ USD để xây nhà máy sản xuất tại Mỹ. "Đúng vậy, họ sẽ thực hiện mọi thứ liên quan đến AI, siêu máy tính và những hệ thống phi thường", ông tiếp tục. "Người Mỹ sẽ làm việc trong những nhà máy như thế, những công việc tuyệt vời, lương cao".
Tuy nhiên, việc tuyển dụng có thể gặp khó khăn. "Người Mỹ sẽ không làm với mức lương thấp như Foxconn trả cho công nhân lắp ráp iPhone ở Trung Quốc. Người Mỹ sẽ điều hành các nhà máy iPhone tại Mỹ. Họ không lắp ráp linh kiện", Lutnick nói.
Apple chưa đưa ra bình luận.
Theo PhoneArena, Tim Cook có lý do để nhắc đến cánh tay robot. Những cỗ máy này có thể thực hiện công việc lắp ráp tẻ nhạt nhưng đòi hỏi độ chính xác rất cao. Bên cạnh đó, Apple sẽ không phải bận tâm tìm nhân công Mỹ sẵn sàng làm việc với mức lương khoảng 3 USD mỗi giờ như tại nhà máy iPhone của Foxconn ở Trung Quốc. Nếu không triển khai robot, Apple có thể phải trả gấp đôi cho nhân công Mỹ, theo mức lương tối thiểu liên bang 7,25 USD/giờ. Khi đó, công ty có thể phải tăng giá iPhone và nhiều sản phẩm khác.
Trước đó, một số chuyên gia dự đoán giá iPhone có thể tăng gấp ba nếu được sản xuất ở Mỹ. "Nếu xây dựng chuỗi cung ứng, chẳng hạn nhà máy ở Tây Virginia và New Jersey, sẽ có những chiếc iPhone 3.500 USD", Dan Ives, Giám đốc nghiên cứu công nghệ tại công ty dịch vụ tài chính Wedbush Securities, nói với CNN.
Toàn bộ quá trình sản xuất của Apple vốn phụ thuộc vào châu Á - nơi đã xây dựng một hệ sinh thái cung ứng khép kín giúp giá thành ngày càng giảm. Chip cung cấp sức mạnh cho iPhone được tạo ra ở đảo Đài Loan, tấm nền màn hình do Hàn Quốc cung cấp, nhiều thành phần khác sản xuất ở Trung Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đảm nhiệm khâu lắp ráp iPhone.
Trong phỏng vấn, Lutnick cũng nói TSMC đã "có được giấy phép mà họ cần" vào sáng 29/4 để xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn, Fab 1và Fab 2 ở phía bắc Phoenix.
TSMC không bình luận.
Ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp "mức thuế lớn" tới 100% nếu TSMC không xây nhà máy tại Mỹ. "Những công ty chip rất giàu có", ông nói, đề cập Đạo luật CHIPS và Khoa học được cựu tổng thống Joe Biden ký năm 2022, trong đó tài trợ cho các công ty để khuyến khích mở nhà máy ở Mỹ. "Họ được cấp hàng tỷ USD để xây một nhà máy tại đây".
Bảo Lâm (theo CNBC, PhoneArena)