Cảnh giác với lừa đảo trực tuyến biến tấu

Vàng tăng kêu gọi đầu tư để lừa đảo, giải chạy cũng bị lợi dụng để chiếm đoạt tiền, thậm chí đến website chống lừa đảo cũng bị mạo danh..., lừa đảo trực tuyến đang bủa vây khiến nhiều người dù cảnh giác nhưng vẫn sập bẫy.
Giáo viên MẤT HƠN trăm triệu vì sập bẫy lừa
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 1.5, anh Lương Thế Tâng, ngụ thôn 3, xã Quế Phú, H.Quế Sơn, Quảng Nam, vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin vợ mình bị lừa mất 166 triệu đồng vì nhóm lừa đảo trực tuyến.
Anh Tâng kể: "Ngày 28.4, trong lúc tôi đang đi công tác ở Đắk Lắk thì vợ tôi ở nhà làm quen với một số người trên mạng xã hội Facebook và được rủ rê đăng ký tuyển dụng vào một trường Singapore tại VN. Mặc dù giới thiệu là tuyển dụng giáo viên nhưng trang web để vợ tôi đăng ký lại có địa chỉ và giao diện giống như trang Vietlott (maxvietlott.com), rất đáng nghi ngờ nhưng vợ tôi không nhận ra. Sau đó có người tự xưng là nhân viên phụ trách phỏng vấn, tiếp theo dụ dỗ vào nhóm làm dự án an sinh xã hội, buộc phải nộp tiền và nộp theo từng lệnh. Khi vợ tôi chuyển tổng cộng 166 triệu đồng và nói rằng không còn khả năng để nộp thêm nữa thì lập tức nhóm này đã chặn không cho đăng nhập vào web nữa và chặn luôn liên lạc. Vợ tôi biết bị lừa nên đau khổ nằm suốt mấy ngày. Chúng tôi đã trình báo công an nhưng biết rằng khó có thể lấy lại tiền đã mất".
Thời gian gần đây, khá nhiều trường hợp bị lừa đảo qua mạng và trùng hợp có nhiều nạn nhân từng là giáo viên. Trong tháng 4 vừa qua, chị T, giáo viên mầm non tại H.Thạch Hà, Hà Tĩnh, nhận cuộc gọi từ số lạ thông báo về một đơn hàng 0 đồng, chỉ cần thanh toán 16.000 đồng phí vận chuyển. Từng nhiều lần mua hàng trực tuyến nên chị T. không nghi ngờ và thực hiện chuyển khoản số tiền phí vận chuyển. Tuy nhiên chỉ khoảng 30 phút sau, "người giao hàng" gọi lại và thông báo chị T. đã chuyển nhầm vào tài khoản của công ty giao hàng, và từ tháng sau sẽ bị trừ tự động 4,5 triệu đồng. Trong lúc chị T. đang lo sợ thì được hướng dẫn kết bạn Facebook với tài khoản tự xưng "GHTK hỗ trợ" để làm thủ tục hủy đăng ký.
Đối tượng này sau đó hướng dẫn chị T. liên lạc với một tài khoản Facebook có tên "GHTK hỗ trợ" để làm thủ tục hủy đăng ký. Tiếp đó, nhóm đối tượng gửi đường link giả yêu cầu chị T. cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã xác thực. Tin tưởng làm theo, chỉ trong ít phút, chị T. phát hiện tài khoản bị trừ 49 triệu đồng. Thấy tài khoản tiếp tục bị trừ tiền, chị liên lạc với các đối tượng thì lại được đưa vào nhóm chat "Thu hồi tiền GHTK".
Trong nhóm chat này, nhóm đối tượng liên tục yêu cầu chị T. nộp "phí khiếu nại", "phí xác minh"... Tin tưởng, chị tiếp tục nhiều lần chuyển khoản với tổng số tiền lên hơn 150 triệu đồng. Ngay sau đó, một tài khoản khác gọi video call qua ứng dụng Messenger, xưng là cán bộ Cục Cảnh sát hình sự thông báo với chị T. rằng chị là nạn nhân của một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Đối tượng trên yêu cầu chị cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, sao kê, và yêu cầu chị xác thực danh tính bằng cách đọc mã OTP gửi về điện thoại. Không nghi ngờ, chị thực hiện yêu cầu trên và tiếp tục bị chiếm đoạt thêm khoảng 200 triệu đồng. Chỉ tới lúc này chị T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Web chống lừa đảo cũng bị mạo danh
Ngày 1.5, Bộ Công an tiếp tục cảnh báo thủ đoạn mạo danh doanh nghiệp vàng bạc đá quý kêu gọi người dân đầu tư mua bạc tích trữ. Theo Bộ Công an, thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình giá vàng trên thế giới có nhiều biến động, tích trữ vàng tăng cao, các đối tượng lừa đảo đã lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội, lấy danh nghĩa doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý kêu gọi người dân đầu tư mua bạc tích trữ. Đáng chú ý, lợi dụng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, các đối tượng rao bán các loại bạc thỏi khắc hình ảnh kỷ niệm sự kiện này, giá bán tương đương giá bạc trên thị trường.
Các đối tượng này mua lại tài khoản Facebook có tích xanh từ trước, đổi tên thành thương hiệu uy tín để tạo sự tin cậy cho người dân, sau đó đăng tải nhiều bài viết giống tài khoản thật của các thương hiệu. Khi có người hỏi mua, các trang Facebook này chỉ nhận đặt hàng qua tài khoản mạng xã hội và yêu cầu người dân thanh toán toàn bộ tiền hàng trước với lý do mặt hàng có hạn, chỉ nhận những đơn thanh toán trước. Sau khi nhận tiền, nhóm lừa đảo sẽ chặn liên lạc và chiếm đoạt tiền của người dân.
Thông qua tổng đài Chongluadao.vn, nhiều người cũng đã báo cáo về tình trạng mạo danh fanpage bệnh viện để kêu gọi từ thiện giúp đỡ nạn nhân. Các đối tượng mạo danh sao chép nguyên văn nội dung, hình ảnh từ fanpage chính thức của các bệnh viện lớn, sau đó tạo fanpage giả với tên và ảnh đại diện tương tự. Sau khi đăng lại bài viết kêu gọi hỗ trợ, đối tượng để lại số tài khoản ngân hàng cá nhân, kèm nội dung cảm động như "cứu lấy bé", "mong cộng đồng giúp đỡ", "cần lắm một phép màu"... với mục đích lừa người dùng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của kẻ gian.
Ông Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chongluadao.vn, cho biết: "Tình trạng mạo danh lừa đảo trực tuyến hiện nay đang nở rộ và biến tướng rất tinh vi, ngay chính bản thân tôi cũng bị mạo danh để lập ra các trang Facebook giả mạo. Thậm chí mới đây, đội ngũ chúng tôi đã phát hiện một website mạo danh hệ thống chống lừa đảo, sử dụng tên miền chongluadao.site để đánh lừa người dùng. Trang này tự nhận là nơi tiếp nhận tố cáo lừa đảo, nhưng thực chất là công cụ thu thập thông tin nhạy cảm (như số điện thoại, tài khoản ngân hàng) để chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng cho mục đích bất chính. Qua phân tích bằng công cụ AI, trang web này bị đánh giá rủi ro rất cao (9/10) và có dấu hiệu thu thập trái phép thông tin cá nhân qua các mẫu đơn tra cứu/tố cáo, dụ dỗ người dùng gửi tiền vào cái gọi là "quỹ bảo hiểm lừa đảo". Đặc biệt, đường link trang web này còn được phát tán trên các kênh Telegram có liên quan đến cờ bạc, lôi kéo người dùng đầu tư hoặc đánh bạc online. Do đó, người dùng cần phải kiểm tra kỹ thông tin, không nên giao dịch tài khoản khi không biết rõ người đó là ai".