Cảnh báo sóng thần sau trận động đất 7,4 độ ngoài khơi Nga

Cảnh báo sóng thần được ban bố sau khi các trận động đất, bao gồm một trận có cường độ 7,4 độ, được ghi nhận ngoài khơi Nga.
![]() |
Địa điểm xảy ra một trận động đất, ngoài khơi bờ biển phía đông nước Nga. Ảnh: USGS |
Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương đã phát đi cảnh báo cho bán đảo Kamchatka của Nga sau khi hai trận động đất, trong đó có trận với cường độ 7,4 độ, xảy ra ngoài khơi hôm 20/7, AP đưa tin
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất mạnh 7,4 độ richter xảy ra ở độ sâu 20 km và cách thành phố Petropavlovsk-Kamchatsky (dân số khoảng 180.000 người) khoảng 144 km về phía đông.
Vài phút trước đó, một trận động đất khác có độ lớn 6,7 cũng được ghi nhận gần khu vực này.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức (GFZ) thông báo hai trận động đất có độ lớn trên 6,5 đã xảy ra gần bờ biển Kamchatka, thuộc vùng viễn đông nước Nga, vào hôm 20/7.
GFZ ghi nhận hai trận động đất có độ lớn 6,6 và 6,7, đều xảy ra ở độ sâu 10 km.
Các số liệu đo đạc về động đất thường có thể thay đổi trong vài giờ đầu sau khi xảy ra.
Hiện chưa có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại hay thương vong.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Trung tâm Sóng thần Quốc gia Mỹ cho biết cảnh báo sóng thần ban đầu được phát đi cho Nga và tiểu bang Hawaii (Mỹ). Cảnh báo ở Hawaii sau đó được chính cơ quan này dỡ bỏ.
Bán đảo Kamchatka là điểm giao nhau của các mảng kiến tạo Thái Bình Dương và Bắc Mỹ, khiến nơi đây trở thành vùng nóng về địa chấn.
Đợt động đất mới nhất ở ngoài khơi Nga xảy ra chỉ vài ngày sau khi động đất diễn ra ngày 16/7 tại Mỹ. Trận động đất mạnh 7,3 độ richter được ghi nhận ở phía tây bắc đảo Popof, ngoài khơi bán đảo Alaska.
Vào ngày 4/11/1952, một trận động đất mạnh 9 độ richter tại Kamchatka đã gây thiệt hại, nhưng không có báo cáo về người thiệt mạng. Trận động đất này đã tạo ra những con sóng cao tới 9,1 m tại Hawaii.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.