Nhảy đến nội dung

Cần sớm gỡ nút thắt cảng cá: Ngư dân vất vả tìm đường vào bờ

Cảng mới thì mắc cạn, cảng cũ tàu phải "xếp hàng", đó là nghịch lý tại các cảng cá ở TP.Huế khiến ngư dân luôn gặp khó mỗi khi đưa tàu vào bờ. Còn tại Quảng Bình, ngư dân phải cho tàu chạy vòng tìm cảng cập bờ...

"NÉ" CẢNG TRĂM TỈ

Cảng cá Thuận An (TP.Huế) chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 2.2025, nhưng nhiều ngư dân "né" đưa tàu cá vào cảng vì sợ mắc cạn.

Ngư dân Nguyễn Thanh Bình (chủ tàu cá TTH 97127TS, ở xã Phú Thuận, H.Phú Vang, TP.Huế) cho biết sau khi cảng cá Thuận An công bố mở cảng, ngư dân phấn khởi vì có thêm bến cảng mới để vào nhập cá. Tuy nhiên, ngày 28.2, tàu cá của ông bị mắc cạn khi quay về, sau chuyến xuất hành đầu năm. "Tàu mắc cạn, tôi phải thuê tàu kéo giải cứu hết 3 triệu đồng. Tàu vào cảng khoảng 15 giờ và bị mắc cạn, đến 18 giờ cùng ngày mới kéo ra được. Từ đó đến nay, tôi phải cho tàu vào cập ở cảng cũ", ông Bình nói.

Từ khi cảng cá Thuận An mới đi vào hoạt động, có thêm nhiều tàu cá khác mắc cạn, như tàu TTH 96319TS (của ông Ngô Đức Diếp), tàu TTH 91258TS (của ông Hà Chốn). Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão TP.Huế là một trong những dự án thành phần thuộc dự án xây dựng nâng cấp hạ tầng nghề cá do Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là Sở NN-MT TP.Huế) làm chủ đầu tư từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (400 tỉ đồng).

Trong đó, riêng cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão TP.Huế được đầu tư 220 tỉ đồng, mục tiêu đảm bảo quy mô tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập bến bốc dỡ hàng hóa, bảo quản thủy hải sản, đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU cần tuân thủ (như vệ sinh môi trường, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, nước)…

Cảng cá mới này được thiết kế để đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền chiều dài từ 6 m trở lên. Các hạng mục chính gồm: bến cập tàu, đường giao thông, đê chắn sóng, hệ thống phao neo, nhà điều hành, nhà phân loại cá, khu hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp nước ngọt, xử lý nước thải, nạo vét khu neo đậu, luồng chạy tàu…, triển khai xây dựng từ tháng 10.2020 và đến cuối năm 2023 thì hoàn thành. Tuy nhiên, sau khi công bố mở cảng và đi vào hoạt động, chỉ một số tàu có công suất nhỏ vào được, còn lại nhiều tàu cá công suất lớn từ 800 CV vẫn không thể cập cảng vì sợ… mắc cạn.

Nghịch lý nảy sinh khi cảng mới trăm tỉ thì khó vào, cảng cũ lại… vào chậm. Ngư dân Ngô Đức Tâm (chủ tàu cá TTH 97679 TS, ở xã Phú Thuận, H.Phú Vang, TP.Huế) bức xúc nói: "Kể từ khi xảy ra nhiều vụ mắc cạn, hầu hết ngư dân không dám đưa tàu vào cảng Thuận An mới mà chủ yếu vào cảng cũ. Nhưng ở cảng cũ, cầu cảng nhỏ nên các tàu phải chờ đợi, có khi chờ mất nửa ngày chưa vào cảng được, rất phiền toái".

Ngày 13.5, PV Thanh Niên liên lạc với ông Ngô Trung Nhật Quang, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá TP.Huế, để tìm hiểu nguyên nhân. Qua điện thoại, ông Quang xác nhận có tình trạng tàu cá mắc cạn và đang tiến hành nạo vét, còn các vấn đề cụ thể sẽ trả lời sau.

NỖI KHỔ "CHẠY VÒNG"

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, đến nay Quảng Bình có 4 cảng cho tàu 15 m về bốc dỡ cá phục vụ việc xác nhận nguồn gốc thủy sản nhằm chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đó là các cảng Gianh (H.Bố Trạch), Nhật Lệ (TP.Đồng Hới), Quảng Phúc (TX.Ba Đồn), bến dịch vụ hậu cần nghề cá Mũi Ông (cảng cá Quảng Đông, H.Quảng Trạch). Trong khi đó, danh sách quy hoạch các cảng cá thời kỳ 2021 - 2030, Quảng Bình có 7 cảng cá (Sông Gianh, Nhật Lệ, Roòn, Lý Hòa, Quảng Phúc, Bắc Sông Gianh, Quảng Đông).

Tuy nhiên, cảng Gianh và cảng Nhật Lệ do xây dựng từ lâu nên thường xuyên trong tình trạng nâng cấp, sửa chữa hoặc di chuyển đến vị trí mới nên tàu 15 m của ngư dân gặp nhiều khó khăn khi về cảng.

Cảng Gianh có vị trí địa lý khá thuận tiện cho tàu thuyền, là cảng lớn, kín gió, mặt sông sâu, gần QL1 thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa đi các nơi, vì thế thường xuyên bị quá tải. Số cầu cảng cũng không đủ để tàu cá về cập bờ. Vừa xuống cấp lẫn quá tải nên cảng Gianh đã được nâng cấp sửa chữa từ tháng 1.2023. Suốt 2 năm qua, ngư dân buộc phải lựa chọn: chạy tàu vào cảng Nhật Lệ (cách cảng Gianh 50 km) hoặc cập cảng ngoại tỉnh để "lên" cá. Ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch), cho biết vì không vào được cảng Gianh, 215 tàu cá xa bờ của xã biển này gặp trở ngại suốt một thời gian dài.

Cảng cá Nhật Lệ đang hoạt động bình thường, nhưng hiện không thể đáp ứng được hết nhu cầu. Ngư dân Nguyễn Xuân Đan (52 tuổi, ở xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) cho biết tàu cá thì nhiều mà cầu cảng có hạn nên mỗi lần tàu về cảng Nhật Lệ đều phải chờ đợi, chen chúc. Nhiều lần, ông Đan đã phải chấp nhận tốn kém để cho tàu vào cảng Đà Nẵng mới "xuống" hải sản đánh bắt được.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, địa phương vẫn còn thiếu cảng cá để bốc dỡ hải sản khai thác nên tàu cá của ngư dân Quảng Bình phải chạy vòng quanh tìm nơi cập bến đảm bảo các thủ tục pháp lý. Thậm chí, nhiều tàu cá đã phải cập bến, bốc dỡ hàng ở những nơi sai quy định. Lãnh đạo Chi cục đề xuất T.Ư và tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư, nâng cấp các cảng cá trên địa bàn quy mô hơn, to lớn hơn để đảm bảo bốc dỡ cá phục vụ việc xác nhận nguồn gốc thủy sản nhằm chống khai thác IUU.

Trong khi đó, Quảng Trị có 2 cảng cá chỉ định gồm cảng cá Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh) và cảng cá Nam Cửa Việt (H.Triệu Phong). Theo quy định, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải cập cảng cá, nhưng ngư dân đang gặp khó.

Từ giữa năm 2024 đến nay, luồng lạch ra vào cảng cá Cửa Tùng bị tái bồi lấp, độ sâu chỉ còn từ 0,5 - 1 m, chỗ sâu nhất cũng chỉ khoảng 1,5 m khiến tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm khi di chuyển. Nhiều đợt nạo vét được thực hiện nhưng tình hình không khá hơn.

Còn dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt thi công chậm, xin gia hạn hoàn thành nhiều lần. Dự án thi công dài ngày nên vùng nước và mặt bằng của cảng cá bị thu hẹp, gây khó khăn cho tàu cập cảng, vận chuyển thủy sản. Theo Sở NN-MT Quảng Trị, tiến độ thi công dự án chậm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất khi tàu cá cập cảng bốc dỡ sản phẩm. 

(còn tiếp)

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn