Nhảy đến nội dung

Cần gần 7 triệu việc làm ngành xe điện tại Việt Nam

TPO - Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện ở Việt Nam có thể tạo ra gần 7 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, tính đến năm 2050.

TPO - Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện ở Việt Nam có thể tạo ra gần 7 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, tính đến năm 2050.

WB chỉ ra, thị trường xe điện ở Việt Nam là động lực để thúc đẩy sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất phương tiện và cơ sở hạ tầng trạm sạc. Nhu cầu sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì và tái chế xe điện dự kiến sẽ tăng mạnh. Do đó, ngành xe điện sẽ ngày càng cần nhiều lao động có năng lực.

Theo kịch bản thâm nhập của xe điện, sẽ có tổng cộng gần 2 triệu việc làm trực tiếp được tạo ra tại Việt Nam, trên toàn bộ chuỗi giá trị xe điện vào năm 2050. Trong đó, khoảng 132.000 việc làm liên quan đến việc sản xuất trực tiếp hệ truyền động điện của xe điện, khoảng 574.000 việc làm trong ngành sản xuất pin, hơn 1 triệu việc làm trong lĩnh vực trạm sạc xe điện.

Ngoài các công việc liên quan đến sản xuất, quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực bảo trì, sửa chữa và vận hành xe điện.

Cần gần 7 triệu việc làm ngành xe điện tại Việt Nam ảnh 1

Việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện ở Việt Nam có thể tạo ra gần 7 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, tính đến năm 2050. Ảnh: VF.

Theo WB, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện ở Việt Nam sẽ đòi hỏi đầu tư trên bốn lĩnh vực: Sản xuất và mua xe điện, nâng cấp hệ thống điện để đáp ứng nhu cầu tăng thêm do hoạt động sạc xe điện; thiết lập mạng lưới trạm sạc và xây dựng năng lực tái chế pin.

Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các chính sách hỗ trợ, nhằm giảm rào cản gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư tư nhân. Chẳng hạn như có giá thuê đất ưu đãi cho các nhà máy sản xuất xe điện, miễn giảm thuế cho các nhà sản xuất xe điện, hoặc hợp tác sản xuất xe điện với khu vực tư nhân thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP).

WB cho rằng Chính phủ Việt Nam nên đưa ra các chính sách và quy định minh bạch mang tính hỗ trợ, để giúp các nhà đầu tư tư nhân dễ dàng tiếp cận vốn vay.

Việc mua sắm xe điện chủ yếu là khoản đầu tư do người tiêu dùng cá nhân và các nhà cung cấp dịch vụ vận tải chi trả, tùy thuộc vào phân khúc xe. Ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện, chính phủ có vai trò hỗ trợ người tiêu dùng mua xe điện thông qua các ưu đãi về tài chính và phi tài chính.

Cần gần 7 triệu việc làm ngành xe điện tại Việt Nam ảnh 2

Nhu cầu sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì và tái chế xe điện tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh thời gian tới. Ảnh: VF.

Chính phủ Việt Nam nên đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích các ngân hàng triển khai chương trình hạn mức tín dụng, đối với các khoản cho vay mua xe điện dành cho cá nhân và doanh nghiệp.

“Quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện đòi hỏi Việt Nam phải có một sự thay đổi sâu sắc về cơ cấu thị trường phương tiện, mô hình di chuyển và thói quen tiêu thụ năng lượng. Sự thay đổi cơ cấu ở quy mô này không chỉ tốn kém mà còn đòi hỏi mức độ đầu tư và tài chính lớn. Điều này yêu cầu khu vực công, tư, các tổ chức tài chính và người tiêu dùng cá nhân đều phải đóng vai trò then chốt. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam điều phối quá trình này và tiến tới tối ưu hóa sự đồng hành giữa tất cả các bên liên quan trong nền kinh tế”, WB gợi ý.

Lộc Liên