Cận cảnh dự án nhà máy xi măng hoang tàn 18 năm, chủ đầu tư biến mất ở Ninh Bình

Dự án nhà máy xi măng tại Ninh Bình có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, sau 18 năm triển khai đã dừng thi công nhưng không thể thu hồi do chủ đầu tư bặt vô âm tín.
Năm 2007, dự án xây dựng nhà máy xi măng Phú Sơn, tại xã Phú Sơn (Ninh Bình) trên diện tích đất khoảng 40ha được triển khai. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.000 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2011 với công suất khoảng 11 triệu tấn/năm.
Dự án do Công ty Cổ phần xi măng Phú Sơn (Công ty) đăng ký trụ sở tại xã Phú Sơn (Ninh Bình) do ông Nguyễn Hữu Lợi, người gốc Việt mang quốc tịch Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc) làm Chủ tịch HĐQT.
Sau khi được giao đất, đơn vị đã triển khai san lấp mặt bằng, rầm rộ xây dựng, đến năm 2009 thi công cầm chừng và dừng mọi hoạt động thi công từ cuối năm 2012 đến nay.
Ghi nhận của PV, cả khu đất rộng hàng chục ha mới chỉ xây dựng thô được ngôi nhà điều hành 2 tầng, một dãy phòng xây thô, một khu nhà ở công nhân đã hoàn thành, lợp mái tôn, khu vực nhà trạm biến áp, kéo đường dây điện, tường bao... Hiện nay, khu đất cây cối mọc um tùm, nơi đổ đất thải, trạm trộn bê tông, khu nhà điều hành được người dân tận dụng nuôi nhốt bò.
Theo người dân địa phương, khu vực xây dựng nhà máy xi măng trước đây là đất nông nghiệp của người dân 3 thôn bị thu hồi với khoảng 200 hộ dân bị ảnh hưởng. Sau khi nhường đất, con em của các hộ được công ty hỗ trợ đi học nghề xi măng, bảo vệ với lời hứa về làm việc trong nhà máy. Nhưng người dân địa phương đi từ kỳ vọng đến vô cùng thất vọng về dự án.
Ngày 11/9/2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Phú Sơn. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Ban quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, UBND huyện Nho Quan và các ban ngành có liên quan triển khai thủ tục chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất...
Sau đó, Công ty Cổ phần xi măng Phú Sơn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Bình, các sở, ban, ngành nêu lý do khó khăn về mặt tài chính dẫn đến sự đình trệ trong việc triển khai hoạt động xây dựng nhà máy trong thời gian dài. Công ty cũng cam kết sẽ khởi động việc xây dựng nhà máy kể từ ngày 20/11/2017 nhưng đến nay, sau 8 năm, dự án vẫn "án binh bất động".
Năm 2022, Sở TN&MT Ninh Bình (nay là Sở NN&MT) quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với dự án này. Tuy nhiên, nhiều lần sở gửi văn bản mời người đại diện pháp luật của công ty đến dự nhưng không ai đến làm việc, không có lý do và cũng không ủy quyền cho bất kỳ ai.
Tại cuộc họp HĐND tỉnh Ninh Bình vào tháng 12/2024, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nêu rõ việc không thể thu hồi được dự án là do đã có tài sản trên đất.
“Tỉnh đã giao cho các sở ngành trực tiếp liên hệ với chủ đầu tư nhưng hiện nay không tìm được chủ đầu tư nên việc thanh kiểm tra, ra quyết định trực tiếp cho chủ đầu tư để thực hiện các bước thu hồi rất khó khăn. UBND tỉnh cũng đã có báo cáo các bộ nghành xin ý kiến nhưng đến nay chưa có trả lời”, ông Sơn thông tin.