Cấm xe máy xăng: Cư dân chung cư, nhà trọ tìm cách thích nghi với xe máy điện

Thay vì cấm hoặc hạn chế các khu vực sạc như trước, nhiều chung cư, nhà trọ ở khu vực trung tâm thành phố Hà Nội đã bắt đầu tính toán đến phương án mở rộng khu vực để xe máy điện sao cho an toàn.
Thích nghi với nếp đi lại bằng xe điện
Hà Nội sẽ bắt đầu cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng) tại khu vực vành đai 1 từ 1/7/2026 theo lộ trình được nêu trong Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng. Phạm vi cấm mở rộng ra vành đai 2 từ đầu năm 2028 và từ năm 2030 là khu vực trong vành đai 3, đồng thời hạn chế cả với ô tô chạy xăng dầu.
Như vậy, với lộ trình này, chỉ còn gần 1 năm nữa để chính quyền và người dân Hà Nội có những bước chuẩn bị cho một "cuộc cách mạng xanh", mà mở đầu là hạn chế phương tiện xe máy xăng, đồng thời người dân buộc phải chuyển sang các phương tiện khác thân thiện với môi trường hơn như tàu điện, xe buýt, ô tô điện và đặc biệt là xe máy điện.
Anh Nguyễn Gia Hưng đang ở trong một chung cư tại phường Yên Hoà (Hà Nội) cho biết, dù nhà anh ở bên ngoài vành đai 2, nhưng lại thường xuyên sử dụng xe máy để đến cơ quan ở trong vành đai 1.
Theo anh Hưng, việc cấm xe máy xăng di chuyển trong vành đai 1 từ 1/7/2026 khiến việc đi lại của anh ít nhiều bị ảnh hưởng. Anh đã tính toán việc đi tàu điện hoặc xe buýt, tuy nhiên đều khó khả thi bởi những phương tiện này không thể tiện lợi như xe máy. Do vậy, anh Hưng đang tính mua thêm một chiếc xe điện nhỏ gọn chỉ để đi làm và di chuyển trong phố.
"Việc chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện thì không quá khó, tuy vậy điều đáng lo nhất là chung cư nơi tôi ở không có đủ chỗ để và nhất là ổ cắm sạc. Tôi đang nghiên cứu thêm loại xe nào có thể tháo rời pin và sạc pin bên ngoài, vừa tiện vừa an toàn", anh Hưng chia sẻ.
Ghi nhận của PV VietNamNet tại một chung cư ở phường Đống Đa (thuộc khu vực trong vành đai 2), ban quản lý đã thiết lập khu vực để riêng cho xe máy điện, xe đạp điện với hơn 100 chỗ đậu. Phía đơn vị vận hành cho biết đang có kế hoạch mở rộng khu vực này lên khoảng 400 chỗ từ nay đến cuối năm 2025, đồng thời nâng cấp, bố trí thêm khoảng 100 ổ cắm điện mới phục vụ nhu cầu sạc xe.
"Từ cuối năm 2024 đến nay, chúng tôi đã phải bố trí riêng khu vực để xe máy điện ở phía ngoài gần cửa hầm, gần vị trí chốt bảo vệ. Các phương tiện được phép sạc qua đêm nhưng luôn khuyến cáo rút phích cắm khi đã đủ điện", đại diện ban quản lý nói.
Ở các chung cư khác trong vành đai 2, nhiều ban quản lý đang rà soát hệ thống điện, kiểm tra trạm biến áp và dự kiến nâng cấp hạ tầng sạc để đáp ứng tăng trưởng xe điện lên mức rất cao trong vòng 1-2 năm nữa, đồng thời lên các phương án đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Vẫn 'lấn cấn' về phòng cháy chữa cháy
Đối với các chung cư cao tầng, việc nghiên cứu bổ sung thêm vị trí để xe máy điện là hoàn toàn khả thi, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang từng bước thực hiện lộ trình hạn chế xe máy xăng.
So với ô tô, xe máy điện chiếm ít diện tích hơn và không đòi hỏi hạ tầng quá phức tạp. Chỉ cần bố trí lại một phần diện tích hầm hoặc sân chung, kết hợp đầu tư hệ thống trạm sạc thông minh là đã có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng. Về phía cư dân, tâm lý chuyển đổi sang xe máy điện sẽ tích cực hơn nếu được tạo điều kiện về chỗ để và sạc pin an toàn.
Tuy nhiên, với những người ở nhà tập thể cũ và đặc biệt là các nhà trọ, việc chuyển đổi lại không dễ dàng như vậy, bởi lúc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hạ tầng và quan trọng nhất là sự đồng ý của chủ nhà.
Anh Nguyễn Văn Trọng đã sống nhiều năm trong căn hộ tầng 4 tại khu tập thể Thành Công và gửi thường xuyên 2 chiếc xe máy cho một gia đình dưới tầng 1 có mặt bằng rộng rãi. Theo anh, hiện có hơn 20 hộ cùng cầu thang đang gửi xe tại đây.
Tuy nhiên, chủ nhà vì lo ngại an toàn nên không nhận trông xe máy điện và cũng không lắp đặt bất kỳ ổ cắm điện nào trong khu vực, thế nên ai dùng xe điện phải tự dắt lên nhà hoặc bố trí chỗ gửi khác. Điều này khiến việc chuyển sang xe điện với các gia đình như anh Trọng gặp nhiều trở ngại, bởi vừa thiếu chỗ để, vừa không thể sạc xe thuận tiện.
“Về lâu dài, khi xe máy điện trở nên phổ biến, chắc chắn các hộ gia đình như chúng tôi không thể cứ dắt xe lên tận nhà mà cần có nơi để và sạc xe thuận tiện. Hiện chúng tôi đang cùng nhau bàn bạc, góp tiền hỗ trợ chủ nhà trông xe ở tầng 1 nâng cấp hệ thống điện, lắp đặt ổ sạc. Làm được điều này từ bây giờ sẽ giúp việc chuyển sang dùng xe máy điện sau này dễ dàng và an toàn hơn", anh Trọng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thu Huyền, chủ một nhà trọ với gần 20 phòng khép kín tại phường Thanh Xuân cho biết, trước đây chị kiên quyết "nói không" với khách có xe đạp điện, xe máy điện vì đây là những loại phương tiện có nguy cơ cháy nổ. Khi khách đến thuê có các loại phương tiện này, chị đều "lắc đầu" hoặc nói khách gửi xe ở chỗ khác.
Gần đây, chị Huyền đã phải thay đổi quan điểm, cho người có xe máy điện thuê nhà với điều kiện chủ xe phải tuân thủ những quy định như sạc xe đúng vị trí và không được phép sạc điện qua đêm.
"Thành phố sắp cấm xe chạy xăng, nên người dân mua xe máy điện là tất yếu, mình cũng nên cởi mở hơn. Với mỗi xe điện như vậy, tôi thu thêm 30 nghìn/xe/tháng tiền điện sạc. Sắp tới tôi sẽ đầu tư làm lại hệ thống dây điện ở tầng để xe, đồng thời lắp thêm cầu giao tự động ngắt vào 23h đêm để đảm bảo an toàn", chị Huyền nói.
Tuy nhiên, nhiều chủ nhà trọ, chung cư mini như chị Huyền vẫn còn băn khoăn khi trước đây lực lượng Cảnh sát PCCC từng đưa ra các yêu cầu khá ngặt nghèo như khu để xe điện phải có các vật dụng phòng cháy, cửa chống cháy, chống khói, hệ thống chữa cháy tự động có, công suất điện đủ tải, bố trí ổ cắm đúng quy chuẩn...
Trong khi đó, phần lớn các nhà trọ đều không thiết kế từ trước, khiến việc đảm báo đúng yêu cầu rất khó khăn, chi phí tốn kém. Chính vì vậy, nhiều người mong muốn sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ cơ quan chức năng để có thể chủ động đầu tư, sắp xếp lại không gian phù hợp.
Bạn có góc nhìn nào về nội dung trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!