Nhảy đến nội dung
 

Cấm xe máy xăng, chờ lời giải của Hà Nội

Bối rối, lo lắng có lẽ là tâm trạng chung của nhiều người dân Hà Nội sinh sống, làm việc trong cũng như ngoài Vành đai 1 trước yêu cầu cấm xe máy xăng từ 1.7.2026.

Khẳng định ủng hộ chủ trương, song trước tác động rất lớn tới cuộc sống, công việc trong khi thời hạn chỉ còn 1 năm, người dân mong chờ chính quyền thủ đô sớm đưa ra các bước đi, giải pháp cụ thể.

Tuy nhiên, phản ứng của thành phố là "khá chậm", ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, đánh giá. Hà Nội vẫn chưa đưa ra một thông báo chính thức nào sau yêu cầu của Thủ tướng để trả lời hàng loạt câu hỏi của người dân: Chuyển đổi phương tiện xanh ra sao, có được hỗ trợ không? Hạ tầng trạm sạc, đảm bảo an toàn cháy nổ?...

Trước Hà Nội khoảng 20 năm, nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc đã cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt xe máy xăng nhằm giải quyết nạn ô nhiễm không khí. Các mệnh lệnh hành chính này thành công nhờ đi kèm hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người dân như giá xe điện rất rẻ và hệ thống giao thông công cộng phát triển.

Trong khi đó, chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội hay TP.HCM đã được đưa ra cả chục năm nay, nhưng chuyển động chính sách rất chậm chạp. Đề án "phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận năm 2030", mà thành phố chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu tới nay vẫn đang gác lại do "nội dung khó, nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến người dân".

Với chỉ thị mới nhất của Thủ tướng, Hà Nội đã được trao "điều kiện cần" là quyết tâm chính trị cao nhất. Việc cần làm là chuẩn bị các "điều kiện đủ" để triển khai hiệu quả nhất, ít tác động tiêu cực nhất tới người dân.

Trước mắt, theo nhiều chuyên gia, Hà Nội cần sớm thống kê số lượng xe máy chịu tác động, xây dựng phương án hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện. Với người dân chuyển sang xe máy điện, cần rõ hướng xử lý với xe máy cũ như hỗ trợ bán hoặc thu hồi với xe máy cũ nát; hỗ trợ tài chính với người mua xe máy điện mới về giá, thuế phí ra sao? Với người dân sử dụng phương tiện công cộng, sẽ gia tăng thêm các tuyến xe buýt, dành phần đường cho người đi bộ, đi xe đạp thế nào?...

Với mỗi bước đi, thủ đô cần có kế hoạch cụ thể, dự trù ngân sách hay nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện. Với nguồn thu ngân sách rất lớn của Hà Nội, việc dành vài nghìn tỉ đồng để triển khai các chính sách hỗ trợ người dân có lẽ không khó. Vấn đề của thành phố là thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả đến đâu. Về lâu dài, Hà Nội sẽ phải đẩy nhanh hơn nỗ lực phát triển mạng lưới giao thông công cộng, di dời nhà máy, trường học ra ngoại ô; kiểm soát khí thải; giảm ô nhiễm từ khí thải công nghiệp, làng nghề, bụi xây dựng…

Sau xe máy, lộ trình hạn chế với ô tô cá nhân cũng chỉ còn gần 2 năm, nếu không có sự chuẩn bị bài bản ngay từ bây giờ, nguy cơ thất bại là rất lớn. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, ở cấp độ quốc gia, việc "sắp xếp lại giang sơn" chỉ mất vài tháng để thực hiện. Ở cấp độ nhỏ hơn rất nhiều, chính sách đội mũ bảo hiểm năm 2007 cũng đã thành công nhờ quyết tâm chính trị và sự quyết liệt thực hiện trên cả nước. Cấm xe máy xăng vì thế cũng chính là "phép thử" với năng lực thực thi của chính quyền thủ đô để xây dựng một Hà Nội xanh - sạch - đẹp.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn