'Cấm học sinh dùng điện thoại để cứu một thế hệ cúi đầu'

Chiều hôm rồi, con tôi sang nhà bạn chơi. Tối về, con đột nhiên thở dài: "Mẹ ơi, nhà bạn ấy bị... mất kết nối rồi". Tôi bỏ điện thoại xuống bàn và hỏi: "Tại sao con lại nói thế?". Con tôi kể: "Lúc ăn cơm, bạn con hỏi chuyện bố, nhưng bố bạn không trả lời. Ai cũng cầm điện thoại. Cả bữa chẳng ai nói với ai câu nào".
Trong mắt một đứa trẻ 10 tuổi, bữa cơm đã trở thành thiết bị đo sự kết nối gia đình. Điện thoại, vô hình, đang làm mất đi những cuộc trò chuyện, dập tắt những cái nhìn âu yếm, đẩy cả gia đình vào cảnh lạnh lẽo.
Không chỉ trẻ nhỏ cảm nhận được sự chia cắt vô hình ấy, chính tôi trong một lần đến nhà bạn thân chơi cũng lặng người nhận ra: cả gia đình bốn người, mỗi người "ôm" một chiếc điện thoại. Họ không cãi nhau, cũng không hờn giận, nhưng cũng chẳng trò chuyện. Cả nhà sống cùng nhau, mà mỗi người như đang trôi dạt trong thế giới riêng, lạc lối trong vùng phủ sóng của điện thoại. Tôi ở đó, thấy mình thừa thãi.
Điện thoại cũng đang gây nhiều hệ lụy trong trường học: mất tập trung, giảm tương tác, tăng nguy cơ bạo lực, bắt nạt online... Là giảng viên thỉnh giảng tại một số trường đại học và cao đẳng, tôi từng rất kỳ vọng vào việc tạo ra không gian học tập nghiêm túc, tích cực. Nhưng rồi, không ít lần tôi phải nuốt nỗi thất vọng vào trong lòng.
>> 'Tôi bất lực nhìn học sinh cắm mặt vào điện thoại'
Có lần, khi đang giảng bài, tôi thấy một sinh viên nhìn chăm chăm vào màn hình, không ghi chép gì. Tôi gọi em đứng dậy trả lời một câu hỏi đơn giản, nhưng em ấp úng, không biết nói gì. Tôi đi xuống, mới thấy em đang xem TikTok. Tôi rất muốn thu điện thoại của cả lớp ngay đầu giờ để các em tập trung, nhưng vì không có quy định chính thức, nếu một mình tôi tự đề ra, tôi sợ các em sẽ phản ứng tiêu cực.
Sinh viên thời nay có nhiều quyền lực hơn cả giảng viên. Các em có thể phản ánh với Ban giám hiệu, đề nghị đổi giáo viên chỉ vì thấy bị "kiểm soát" quá chặt. Các em không hiểu rằng giảng viên nghiêm khắc là vì thương, vì muốn tốt cho các em, chứ không phải để làm khó dễ.
Là một phụ huynh và là người đứng lớp, tôi không muốn đơn độc trong cảm giác bất lực đó. Chúng tôi cần sự đồng hành từ phía nhà trường không chỉ bằng lời kêu gọi đạo đức mà bằng những quy định cụ thể, rõ ràng, được áp dụng nhất quán. Việc cấm điện thoại trong giờ học cần trở thành một chính sách, không phải là chọn lựa cá nhân của từng giáo viên. Chỉ khi giáo viên được bảo vệ bởi quy định, họ mới dám yêu cầu học sinh tuân thủ và tạo ra môi trường học tập thực sự tập trung.
Phụ huynh cũng cần vào cuộc. Không thể đổ trách nhiệm hoàn toàn cho nhà trường nếu chính ở nhà, con trẻ vẫn được thoải mái dùng điện thoại đến tận khuya. Những bữa cơm không điện thoại, những buổi tối cùng đọc sách, cùng đi bộ, cùng trò chuyện là liều thuốc chữa lành giản dị nhưng mạnh mẽ. Con trẻ sẽ học cách kết nối lại nếu người lớn làm gương.
Tôi ước một ngày không xa, khi bước vào trường học, mình sẽ không còn thấy cảnh các em sinh viên cúi gằm vào màn hình điện thoại. Tôi muốn được thấy các em trò chuyện với nhau rôm rả trong giờ ra chơi, chạy nhảy cùng nhau trên sân trường, chơi đá cầu, đánh chuyền, rủ nhau đọc sách, hỏi bài, chia sẻ chuyện nhỏ với cô giáo. Tôi mong được thấy ánh mắt học trò sáng lên khi nghe một bài giảng hay, chứ không phải mệt mỏi vì đêm qua thức khuya xem điện thoại.
Tôi viết những dòng này với tư cách của một người mẹ từng nghe con thốt lên "mất kết nối", và của một người thầy từng thấy ánh mắt sinh viên trống rỗng sau cả buổi học chỉ vì mải mê với chiếc điện thoại. Tôi không ghét điện thoại, nhưng tôi sợ sự lệ thuộc vào chúng. Tôi không cực đoan, nhưng tôi tin nếu không hành động ngay, một thế hệ sẽ lớn lên mà không biết cách lắng nghe, không quen nói chuyện, không thể yêu thương đúng cách.
Cấm điện thoại trong trường học không phải là đi ngược với thời đại, mà là chọn đúng điều cần gìn giữ: sự kết nối giữa người với người. Hãy cho học sinh được sống đúng với lứa tuổi, được chạy nhảy, được cười vang, được kết bạn thật không phải qua màn hình. Và hãy để giáo viên được dạy trong môi trường không có "vật thể gây nhiễu" để những bài giảng không trôi vào hư không.
Nếu mỗi nhà trường là một pháo đài của tri thức, thì việc bảo vệ sự tập trung, sự gắn bó và lòng yêu thương chính là cốt lõi để thành lũy ấy không bị sụp đổ bởi thứ ánh sáng xanh lạnh lẽo phát ra từ điện thoại. Hãy bắt đầu bằng một quy định. Nhưng hãy tiếp tục bằng cả tình thương.
Theo dự kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, học sinh không được sử dụng điện thoại ở trường, kể cả trong giờ ra chơi, trừ khi giáo viên cho phép, bắt đầu từ năm học 2025-2026. Trước đó, việc cấm học sinh dùng điện thoại đã được nhiều trường học tại TP HCM thực hiện như THPT Trường Chinh, Thạnh Lộc, Phổ thông Năng khiếu, THCS Lê Văn Tám... và đạt được những chuyển biến tích cực dù thời gian đầu học sinh tỏ ra khó chịu, không đồng tình.
Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu năm 2023 của UNESCO đã chỉ ra bằng chứng rõ ràng về việc lạm dụng điện thoại gây suy giảm hiệu suất học tập và ảnh hưởng đến ổn định cảm xúc của trẻ em. Trong 200 hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, UNESCO ước tính có 1 trong 6 quốc gia có chính sách cấm điện thoại thông minh trong trường học. Pháp áp dụng từ 2018, Hà Lan bắt đầu hạn chế từ 2024.
Vũ Thị Minh Huyền