Nhảy đến nội dung
 

Cam go cuộc chiến chống thuốc giả - Kỳ cuối: Truyền thông mạnh mẽ vào cuộc

TP - Trước diễn biến phức tạp của vấn nạn thuốc giả, truyền thông không chỉ đóng vai trò đưa tin mà còn trở thành tuyến đầu trong việc phát hiện, phản ánh và thúc đẩy xử lý vi phạm. Từ việc thâm nhập thực tế, theo dõi mạng xã hội đến kết nối người dân với cơ quan chức năng, báo chí đang dần khẳng định vị trí như một lực lượng giám sát xã hội mạnh mẽ.

TP - Trước diễn biến phức tạp của vấn nạn thuốc giả, truyền thông không chỉ đóng vai trò đưa tin mà còn trở thành tuyến đầu trong việc phát hiện, phản ánh và thúc đẩy xử lý vi phạm. Từ việc thâm nhập thực tế, theo dõi mạng xã hội đến kết nối người dân với cơ quan chức năng, báo chí đang dần khẳng định vị trí như một lực lượng giám sát xã hội mạnh mẽ.
Cam go cuộc chiến chống thuốc giả - Kỳ cuối: Truyền thông mạnh mẽ vào cuộc ảnh 1
Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cần được công nhận đúng vai trò

(Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam - VNPR)

Vấn nạn hàng giả trong lĩnh vực y tế, nhất là thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang ngày càng trở nên tinh vi và khó kiểm soát. Điều khiến vấn đề trở nên phức tạp là người tiêu dùng rất khó nhận biết sản phẩm là thật hay giả. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà đổ hết trách nhiệm cho người tiêu dùng. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh kinh tế nào, người tiêu dùng cũng đều quan tâm đến sức khỏe của bản thân và mong muốn được sử dụng sản phẩm an toàn. Trước đây, nhiều người mua thực phẩm mà không mấy quan tâm đến nhãn mác, thành phần. Tuy nhiên, từ khi đời sống người dân được cải thiện, nhận thức về sức khỏe nâng cao thì thói quen tiêu dùng cũng thay đổi. Việc đọc kỹ bao bì, thành phần sản phẩm đang dần trở nên phổ biến hơn. Sự thay đổi tích cực này có được là nhờ vào quá trình tiếp nhận thông tin và truyền thông đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng, nâng cao ý thức của cộng đồng.

Xét một cách toàn diện, truyền thông bao gồm cả báo chí chính thống, các nền tảng mạng xã hội và đội ngũ những người làm truyền thông chuyên nghiệp. Trong chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, có ba nhóm chủ thể quan trọng là nhà sản xuất, cơ quan quản lý và truyền thông. Nhà sản xuất giữ vai trò nền tảng, cần minh bạch và có đạo đức kinh doanh. Trong lĩnh vực y tế, các quy định quảng cáo rất chặt chẽ và nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm pháp lý cho sản phẩm của mình.

Cơ quan quản lý đóng vai trò ban hành quy định, giám sát và xử phạt sai phạm. Tuy nhiên, những chính sách đó chỉ phát huy hiệu quả khi có sự đồng hành của truyền thông. Đây là lực lượng truyền tải thông tin minh bạch từ Nhà nước đến doanh nghiệp và người dân. Truyền thông cũng giúp kết nối các chủ thể trong chuỗi cung ứng, tạo thành một vòng tròn thông tin hiệu quả, thúc đẩy nhận thức và hành động đúng đắn trong xã hội.

Gần đây, Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến về vấn đề thuốc và thực phẩm chức năng giả, thể hiện trách nhiệm cao của cơ quan quản lý nhà nước. Ngay sau cuộc họp, truyền thông đã nhanh chóng đưa tin, giúp người dân kịp thời nắm bắt tình hình, đồng thời gửi thông điệp rõ ràng tới doanh nghiệp về các biện pháp quản lý và chế tài. Điều này cho thấy xã hội đang cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ người tiêu dùng, phát triển doanh nghiệp và đảm bảo hiệu lực quản lý của Nhà nước. Những người làm truyền thông cả chính thống lẫn phi chính thống hiện nay mong muốn vai trò của họ được công nhận đầy đủ. Họ không chỉ đơn thuần là người đưa tin mà còn là người góp phần định hướng nhận thức và hành vi xã hội. Để làm được điều đó, cần có cơ chế để truyền thông tiếp cận thông tin chính xác, đồng thời tham gia vào các diễn đàn nơi quy tụ nhà sản xuất, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Cuối cùng, cần phân biệt truyền thông có trách nhiệm với các hành vi trục lợi hoặc tung tin giả. Muốn làm được điều đó, cần có một hệ thống pháp lý hiệu quả và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên. Khi đó, truyền thông, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người dân sẽ cùng tạo nên một môi trường minh bạch, bền vững cho xã hội phát triển.

Mỗi dòng tin là một viên thuốc cứu người

(Nhà báo Trần Ngọc Lâm, Phó Ban đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM)

Cam go cuộc chiến chống thuốc giả - Kỳ cuối: Truyền thông mạnh mẽ vào cuộc ảnh 2
Nhà báo Trần Ngọc Lâm, Phó Ban đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thuốc giả đang là mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 1 trong 10 loại thuốc lưu hành tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình là thuốc kém chất lượng hoặc giả mạo. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Trong năm 2024, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 100 vụ việc liên quan đến thuốc giả, trong đó có nhiều đường dây tổ chức sản xuất thuốc đông y pha trộn tân dược, đóng gói dưới hàng chục nhãn hiệu khác nhau. Các loại thuốc bị làm giả chủ yếu là thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh, thuốc nhập khẩu không rõ nguồn gốc.

Trong bối cảnh đó, truyền thông báo chí phải là hàng rào đầu tiên trong cuộc chiến chống thuốc giả. Không chỉ là kênh đưa tin nhanh, báo chí còn có vai trò phát hiện, phản biện, giám sát, kết nối và định hướng dư luận. Thực tế cho thấy nhiều cơ quan báo chí đã chủ động điều tra, xâm nhập vào các cơ sở sản xuất thuốc giả, nhà thuốc, chợ mạng. Không ít vụ việc chỉ được cơ quan chức năng vào cuộc sau khi báo chí phản ánh. Đây là vai trò khơi mào hành động, đồng thời giúp mở rộng diện kiểm tra, xử lý mạnh tay hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh việc cảnh báo sớm đến người dân, truyền thông còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua loạt chuyên mục sức khỏe, bản tin cảnh báo, infographics và các hình thức truyền thông số như video ngắn, podcast, mạng xã hội... Không chỉ giúp người tiêu dùng biết cách phân biệt thuốc thật - giả, báo chí còn là cầu nối để người dân tiếp cận với cơ quan chức năng và doanh nghiệp chân chính. Truyền thông hiện nay cần thực hiện đồng thời nhiều chức năng: cập nhật nhanh các cảnh báo từ Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, Bộ Công an, Quản lý Thị trường..., phổ biến kiến thức về thuốc và quyền người tiêu dùng; phát hiện và phản ánh về lỗ hổng trong hệ thống pháp lý; gợi ý chính sách phù hợp với thực tiễn. Báo chí cần duy trì những chuyên mục thường xuyên về thuốc thật, thuốc giả, không để câu chuyện này chỉ bùng lên rồi lắng xuống theo từng vụ việc. Quan trọng hơn, truyền thông phải đủ bản lĩnh để phản biện, đồng hành với chính sách nhưng cũng sẵn sàng lên tiếng khi phát hiện sai sót trong hệ thống kiểm soát. Mỗi bài báo, mỗi dòng tin là một viên thuốc cứu người nếu làm đúng lúc, đúng cách.

Nhiều vụ được phanh phui nhờ báo chí

(Nhà báo Thanh Tùng, Biên tập viên báo Thanh niên)

Cam go cuộc chiến chống thuốc giả - Kỳ cuối: Truyền thông mạnh mẽ vào cuộc ảnh 3
Nhà báo Thanh Tùng, Biên tập viên báo Thanh niên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vai trò của báo chí trong việc phát hiện và cảnh báo thuốc giả, dù trên mạng hay ngoài thực tế, không khác nhiều so với các mặt hàng tiêu dùng hoặc thực phẩm khác. Báo chí không đơn thuần chỉ đưa tin mà còn đồng hành với cơ quan chức năng trong việc theo dõi, giám sát và phát hiện các điểm sản xuất, phân phối thuốc giả.

Thực tế cho thấy có nhiều vụ việc được khởi đầu từ sự quan sát và điều tra của nhà báo. Sau quá trình thu thập thông tin, nhiều phóng viên đã chủ động phối hợp với thanh tra y tế, Sở Y tế hoặc các cơ quan liên quan để kiểm tra, xác minh. Trong bối cảnh lực lượng chức năng còn mỏng, không thể bao quát hết mọi ngóc ngách của thị trường, đặc biệt là những nơi cố tình vi phạm với thủ đoạn tinh vi thì sự tham gia của báo chí được xem như một lực lượng hỗ trợ quan trọng.

Không gian mạng là một kênh khác mà nhà báo theo dõi sát sao mỗi ngày. Do đặc thù công việc, phóng viên thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng xã hội, từ đó nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc quảng cáo hoặc bán thuốc không rõ nguồn gốc. Khi thấy nghi vấn, họ sẽ theo dõi, thu thập dữ liệu và phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ. Bên cạnh đó, người dân cũng là một nguồn thông tin đáng tin cậy. Nhiều phản ánh ban đầu được bạn đọc gửi trực tiếp đến phóng viên hoặc tòa soạn. Người tiêu dùng ngày nay có xu hướng tin tưởng báo chí bởi họ kỳ vọng các phản ánh sẽ được làm sáng tỏ, xử lý minh bạch. Có những trường hợp người dân không muốn liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng vì lo sợ bị lộ danh tính hoặc e ngại đối tượng vi phạm sẽ kịp phi tang trước khi bị kiểm tra. Trong những tình huống đó, báo chí đóng vai trò là cầu nối trung gian, tiếp nhận thông tin và chuyển tải đến các đơn vị có thẩm quyền.

Ngoài ra, báo chí và truyền thông cũng góp phần lan tỏa các thông tin từ cơ quan chức năng đến cộng đồng. Khi một vụ việc được phát hiện và xử lý, chính báo chí là kênh đưa tin giúp người dân kịp thời biết được những sản phẩm nào là giả, đâu là hàng kém chất lượng. Điều này giúp họ tránh được những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe và có lựa chọn đúng đắn hơn khi mua thuốc.

Anh Nhàn (ghi)
 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn