Nhảy đến nội dung

Cái khó ló cái khôn, doanh nghiệp Mỹ tìm ra tuyệt chiêu né thuế quan, chỉ cần một thủ thuật nhỏ cũng đủ biến lỗ thành lãi

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tìm mọi cách giảm tác động của thuế quan.

Chỉ vài tháng trước, nhiều doanh nghiệp Mỹ còn chưa nghĩ tới những cụm từ như “kho ngoại quan” và “mã HS” (Harmonized System codes). Nhưng hiện tại, chúng đang trở thành tâm điểm chú ý.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 145% đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với mức thuế 25% áp lên ô tô, linh kiện, nhôm, thép và 10% với hầu hết hàng nhập từ các nước khác, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang chạy đua tìm cách cắt giảm chi phí nhập khẩu.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hướng đến 2 cách hợp pháp được sử dụng phổ biến là sử dụng kho ngoại quan để hoãn nộp thuế và mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (HS) để tránh mức thuế cao.

Mã HS

Hệ thống mã HS toàn cầu có hơn 5.000 mã phân loại sản phẩm, là cơ sở để chính phủ các nước tính thuế nhập khẩu. Với người tiêu dùng, việc một chiếc áo khoác được phân loại là áo gió hay áo mưa không quan trọng. Nhưng với doanh nghiệp, khác biệt nhỏ này có thể quyết định giữa lỗ và lãi.

Tariff engineering – hay thủ thuật sử dụng mã HS – là cách doanh nghiệp thay đổi cấu trúc hoặc vật liệu sản phẩm để hưởng mức thuế thấp hơn. Ví dụ, giày thể thao Converse All Stars có đế làm từ nỉ thay vì cao su hoàn toàn. Điều này có thể giúp chúng được phân loại là “dép đi trong nhà”, vốn có mức thuế thấp hơn nhiều so với giày thể thao.

Hãng Columbia Sportswear thậm chí còn công khai sử dụng thủ thuật này. Jeff Tooze, Phó Chủ tịch phụ trách hải quan và thương mại toàn cầu của công ty, từng chia sẻ rằng họ có cả một đội chuyên làm việc với nhà thiết kế, nhà phát triển sản phẩm và cơ quan hải quan để lồng ghép yếu tố thuế vào ngay từ khâu thiết kế. Một ví dụ là chỉ cần thêm túi nhỏ có khóa kéo dưới thắt lưng áo sơ mi thì sản phẩm này đủ điều kiện hưởng mức thuế thấp hơn.

Luật sư Erik Smithweiss, chuyên gia về tuân thủ thương mại tại hãng luật GDLSK, cho biết vẫn còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật này, ngay cả khi ông Trump tăng thuế đối với Trung Quốc. Trong khi mức thuế cơ bản 20% gần như không thể tránh, doanh nghiệp vẫn có thể né mức thuế mới 125% nếu sản phẩm của họ nằm trong danh sách được miễn trừ.

Tuy nhiên, chỉ thay đổi mã HS là chưa đủ bởi sản phẩm cũng phải có sự khác biệt thực chất. Hải quan Mỹ có thể kiểm tra kỹ, thậm chí gửi mẫu vải đến phòng thí nghiệm để xác minh. Nếu phát hiện khai báo sai, doanh nghiệp không chỉ phải chịu mức thuế cao hơn mà còn có thể bị phạt.

Kho ngoại quan

Trái với thủ thuật mã HS, sử dụng kho ngoại quan (bonded warehouse) không yêu cầu thay đổi sản phẩm hay chuyển nơi sản xuất. Hàng hóa nhập khẩu có thể được đưa vào kho ngoại quan mà không phải nộp thuế ngay, miễn là chúng không rời khỏi kho.

Doanh nghiệp có thể lưu trữ hàng hóa trong các kho này tới 5 năm và chỉ phải nộp thuế theo mức tại thời điểm đưa hàng ra khỏi kho. Đây là chiến lược khả thi khi doanh nghiệp kỳ vọng khả năng thuế sẽ giảm trong ngắn hoặc trung hạn.

Jennifer Hartry, Chủ tịch công ty môi giới hải quan Howard Hartry tại cảng Los Angeles, cho biết 95% yêu cầu thuê kho từ khi ông Trump áp thuế mới là cho hàng Trung Quốc. Sau giai đoạn kinh doanh sụt giảm, Howard Hartry đang ăn nên làm ra nhờ nhu cầu thuê kho tăng mạnh.

“Chúng tôi hiểu rõ thuế quan đang gây áp lực lớn đến các doanh nghiệp” Jennifer Hartry chia sẻ. “Nhưng một mặt, nó cũng đang cứu doanh nghiệp của tôi và tôi biết ơn vì điều đó”.

Theo CNN