Các hãng ôtô Trung Quốc chống lại truyền thông đen

Các công ty như BYD, Li Auto, Zeekr và Deepal gần đây triển khai các biện pháp mạnh mẽ, đưa ra phần thưởng tới 5 triệu nhân dân tệ (700.000 USD) để có thông tin dẫn đến việc xác định những người chịu trách nhiệm phát tán thông tin sai lệch.
Vấn đề ngày càng gia tăng trong ngành
Hiện tượng PR đen liên quan đến các chiến dịch bôi nhọ có tổ chức, trong đó các "đội quân gây rối trên internet" được trả tiền để lan truyền nội dung sai sự thật và có hại về các thương hiệu cạnh tranh trên nền tảng mạng xã hội. Các chiến dịch này có thể gây tổn hại đáng kể đến danh tiếng của công ty và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số. Theo các chuyên gia trong ngành, chỉ một tháng bị quảng bá tiêu cực có thể khiến một hãng xe chịu thiệt hại hàng tỷ nhân dân tệ.
Một giám đốc điều hành hãng ôtô tiết lộ rằng "chỉ cần ghìm chân đối thủ cạnh tranh một ngày với các chủ đề tiêu cực nổi bật có thể giúp đặt thêm hàng nghìn đơn hàng xe". Đầu năm nay, trong cuộc chiến doanh số giữa hai mẫu xe, cả hai công ty đã phát hiện hơn 700 bài viết tấn công, bao gồm cả "khiếu nại chất lượng sai" và "kiểm tra so sánh ác ý".
Các biện pháp đối phó chính
Deepal gần đây thông báo thành lập một "Quỹ Bảo vệ" để bảo vệ danh tiếng thương hiệu. Avatr (liên doanh giữa Changan và CATL) nhận gần 200 đầu mối kể từ khi khởi động sáng kiến chống PR đen vào tháng 4.
Các công ty khác cũng thực hiện hành động tương tự. Zeekr công khai đấu thầu cho dịch vụ bảo vệ danh tiếng và đưa ra phần thưởng lên tới 5 triệu nhân dân tệ. Nio kêu gọi bằng chứng với phần thưởng 10.000-1.000.000 nhân dân tệ (1.400-140.000 USD). BYD kiện người ảnh hưởng mạng xã hội về tội phỉ báng, giành được khoảng 2 triệu nhân dân tệ (280.000 USD) tiền bồi thường.
Phản ứng của toàn ngành
Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức người sáng lập Nio là William Li bình luận rằng đội quân gây rối kiếm tiền dễ hơn sản xuất ôtô. Một số gói PR đen được cho là có giá lên tới hàng chục nghìn nhân dân tệ, với mức phí cao hơn nếu chủ đề đó trở thành xu hướng trên mạng xã hội.
Năm 2023, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM) cùng 14 nhà sản xuất ôtô đưa ra cam kết không sử dụng những chiêu trò phá hoại trên mạng. Gần đây hơn, tại Diễn đàn EV100 Trung Quốc 2025, một quan chức của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) nhấn mạnh đến nhu cầu chấn chỉnh tình trạng mất trật tự trong ngành, từ những lời bôi nhọ ác ý đến quảng cáo sai sự thật.
Các chuyên gia đề xuất rằng các cơ quan quản lý cần tăng cường thực thi và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp điển hình để răn đe. Các hiệp hội trong ngành cũng có thể thiết lập các thỏa thuận tự kỷ luật để hạn chế các hành vi tiếp thị không phù hợp và khôi phục lại sự cạnh tranh kinh doanh bình thường.
Mỹ Anh (theo CarNewsChina)